(SKTE) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội, quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội; điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội; thực hành nghề công tác xã hội; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024.
Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên môn nhằm hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Với chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Những người tham gia công tác xã hội là những người được đào tạo, là công việc được trả lương hoặc tình nguyện nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ tương tác, tăng năng lực và tạo khả năng giải phóng con người nhằm thúc đẩy an sinh xã hội. Giá trị của công tác xã hội dựa trên nền tảng về quyền con người và công bằng xã hội.
Tuy nhiên gần đây, có một số đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động của công tác xã hội thực hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Để giải quyết vấn đề này, tại Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội đã nêu rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm.
1. Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
3. Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
5. Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị định này cũng quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội theo quy định tại Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội.
Người được hành nghề công tác xã hội là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ điều kiện sau đây được hành nghề công tác xã hội:
1. Đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công tác xã hội.
3. Không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề và trường hợp khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
4. Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
Để có Giấy chứng nhận, người đăng ký hành nghề công tác xã hội phải thực hành công tác xã hội. Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Sau khi thực hiện, hoàn thiện các thủ tục đăng ký hành nghề thì người hành nghề công tác xã hội được cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề được cấp có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn hiệu lực 05 năm./.