Từ năm 1992, ngày 10/10 hàng năm được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới lựa chọn là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân.
Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”.
Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.
WHO muốn nhấn mạnh mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe tâm thần và công việc. Bằng việc hành động ngay từ hôm nay, chúng ta hướng tới xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo ra sự nâng đỡ quan trọng đối với sức khỏe tâm thần, đồng thời nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động.
Theo WHO, hiện có khoảng 15% dân số trong độ tuổi lao động mắc các rối loạn tâm thần trong đó tỷ lệ cao nhất là các rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm. Điều này dẫn tới khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất đi mỗi năm do lo âu và trầm cảm, thiệt hại ước tính khoảng 1000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu chủ yếu gây ra bởi giảm năng suất lao động.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…
Sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc
Theo WHO, sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc là cảm giác thoải mái, tích cực của người lao động khi cống hiến sức mình cho tập thể. Nếu nhân viên, cán bộ, viên chức có sức khỏe tâm thần tốt, họ sẽ làm việc hăng say, hiệu quả, có khả năng ứng phó tốt với những căng thẳng hàng ngày. Điều này giúp cá nhân và tập thể giải quyết được những thách thức, khó khăn tại nơi làm việc, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc, gìn giữ lâu dài tình yêu và đam mê với nghề nghiệp.
Ngược lại, nếu sức khỏe tâm thần không đảm bảo sẽ dẫn đến khả năng phối hợp hoạt động kém, giảm năng suất làm việc của cả hệ thống, khiến không chỉ cá nhân mà cả tập thể cũng sẽ rất khó khăn để đạt được những mục tiêu đề ra.
Việc chú trọng nâng cao sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh tích cực về một môi trường làm việc thân thiện, thấu hiểu và đặt con người vào vị trí trung tâm.
Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa và một số yếu tố liên quan khác đều ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần. Áp lực tại nơi làm việc có thể do yêu cầu kết quả lao động, tính cạnh tranh cao, hoặc bản chất của các công việc đặc thù …
Các yếu tố phân biệt đối xử, cạnh tranh không lành mạnh, bạo lực hay cô lập, bắt nạt và quấy rối tình dục tại nơi làm việc làm suy yếu sức khỏe tầm thần, tăng nguy cơ kiệt sức, lo âu, trầm cảm, có thể dẫn tới các hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn và thay đổi sâu sắc cơ cấu việc làm toàn cầu, nhiều công việc được tạo ra và nhiều công việc biến mất, hàng chục triệu người thất nghiệp mới, nguy cơ mất việc gây mất an toàn tài chính và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt khác của cuộc sống, chúng có thể gây nên hoặc làm trầm trọng hơn những áp lực vốn có.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc chưa được quan tâm đầy đủ ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh môi trường làm việc kém an toàn, người lao động còn phải đối mặt với sự kì thị khi mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Cá nhân có các rối loạn tâm thần gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì công việc của mình, nhiều người trong số họ phải chấp nhận làm các công việc với thu nhập nhấp hơn so với những người khác cùng khối lượng công việc.
Đồng thời, người có rối loạn tâm thần cũng gặp nguy cơ cao hơn cho sự phân biệt đối xử, bắt nạt, cô lập và quấy rối, càng khiến trầm trọng thêm các rối loạn sẵn có như một vòng xoắn bệnh lý.
Chính vì vậy, thông tin về tình trạng sức khỏe tâm thần của người lao động thường bị che giấu, khiến họ sẵn sàng từ chối tiếp nhận hỗ trợ về mặt sức khỏe tâm thần khi được cung cấp. Đây là trở ngại lớn để người lao động được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc thích hợp.
Các rối loạn tâm thần được công nhận trong danh sách các bệnh nghề nghiệp của Tổ chức lao động quốc tế- ILO đã được sửa đổi vào năm 2010, trong mục rối loạn tâm thần và hành vi.
Một số quốc gia đã mở rộng danh sách của họ bao gồm căng thẳng liên quan đến công việc, kiệt sức, trầm cảm và các rối loạn giấc ngủ. Một số quốc gia cũng công nhận các trường hợp tự sát liên quan đến công việc và đưa nó vào hệ thống báo cáo, thông báo và bồi thường của họ.
Năm 2022, WHO đã đưa ra hướng dẫn về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, trong đó đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp can thiệp được định nghĩa chi tiết trong nhiều lĩnh vực: tổ chức, đào tạo, quản lý người lao động, các biện pháp can thiệp cá nhân để thúc đẩy sức khỏe tâm thần tích cực và phòng ngừa các tình trạng sức khỏe tâm thần, khuyến nghị về việc quay trở lại làm việc sau thời gian vắng mặt liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần và tìm việc làm cho những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần.
Hoạt động hướng tới sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc là một hành động đa chuyên môn với nhiều cấp độ khác nhau. Các công ước quốc tế về người lao động đã và đang được kí kết. Các chương trình quốc gia về việc thúc đẩy và phòng ngừa sức khỏe tâm thần liên quan đến công việc đã xây dựng và tiếp tục cập nhật sửa đổi ở nhiều nước. Sự tham gia của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách là rất cần thiết.
Riêng trong từng đơn vị sử dụng lao động, cần nâng cao nhận thức rõ rệt cho những người tổ chức, quản lý, sử dụng lao động về vấn đề sức khỏe tâm thần, để tạo dựng cho người lao động một môi trường làm việc an toàn, công bằng, cởi mở, không có sự kì thị.
Bản thân người lao động cần được trang bị thêm kiến thức và kĩ năng ứng phó với các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, đồng thời, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần với tính sẵn có, hiệu quả, dựa trên bằng chứng khoa học cần được cung cấp nhiều hơn.
Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, gia đình cần tạo ra sự nâng đỡ phù hợp để người có các rối loạn tâm thần tìm kiếm việc làm hoặc quay trở lại công việc một cách thích hợp.
Một số biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Khuyến khích giao tiếp cởi mở và chân thành về sức khỏe tâm thần
Việc vượt qua những mặc cảm và kỳ thị liên quan tới sức khỏe tâm thần là điều quan trọng. Bằng giao tiếp cởi mở và chân thành, các vấn đề hành vi và cảm xúc được nhận ra và giải quyết phù hợp. Khi tạo ra một bầu không khí an toàn và thấu hiểu,việc thảo luận, chia sẻ về những khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần như: lo lắng, phiền muộn, mất ngủ, thất vọng,… Những vấn đề này càng được phát hiện sớm thì càng giảm nguy cơ tiến triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Xác định và đo lường căng thẳng tại nơi làm việc
Quản lý mức độ căng thẳng là điều cần thiết để giúp chúng ta vượt qua nhiều thách thức trong công việc. Bước đầu tiên là nhận diện được những căng thẳng và nguồn gốc căng thẳng tại nơi làm việc. Đồng thời, lưu ý rằng căng thẳng và áp lực cần do chính các cá nhân tại nơi làm việc xác định, dựa trên tác động của căng thẳng đó lên bản thân. Từ đó, tập thể và cá nhân có thể đưa ra những giải pháp để quản lý căng thẳng.
Có sự linh hoạt về giờ làm việc
Cần xem xét đưa ra giờ làm việc linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nhận ra những dấu hiệu của kiệt sức và phòng tránh
Việc nhận ra những giai đoạn sớm của kiệt sức là rất quan trọng nhằm duy trì sự thoải mái về tinh thần và thể chất. Mặc dù kiệt sức có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp là: giảm năng lượng hoặc mất động lực, khó khăn hơn trong việc ra quyết định, giảm hiệu suất công việc và có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về công việc hoặc đời sống cá nhân.
Thường xuyên đánh giá định kỳ môi trường làm việc và trợ giúp sức khỏe tâm thần
Một môi trường làm việc lành mạnh và tích cực sẽ đặt ưu tiên vào giao tiếp cởi mở, đưa ra những phản hồi tích cực, hỗ trợ lẫn nhau và tạo sự công bằng trong các điều kiện phát triển bản thân. Chúng ta cần được hướng dẫn phát hiện những bất ổn về cảm xúc, hành vi, thực hành những cách chăm sóc tốt bản thân, ứng phó với căng thẳng. Đồng thời, cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần như tham vấn, khám chuyên khoa.
Đối với mỗi chúng ta, cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định cũng như có như vậy thì việc điều trị người bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.
10 hành động của mỗi người dân để dự phòng và nâng cao sức khoẻ tâm thần:
1. Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân;
2. Tăng cường hoạt động thể chất;
3. Ăn uống lành mạnh;
4. Nghỉ ngơi đầy đủ:
5. Sử dụng đồ uống hợp lý;
6. Giữ liên lạc với người xung quanh;
7. Làm những công việc mà mình có khả năng;
8. Chấp nhận bản thân dù bạn là ai;
9. Đề nghị sự trợ giúp khi cần;
10. Quan tâm đến những người khác.