Chủ Nhật, 27/04/2025 12:45 (GMT+7)

Phát hiện cơ sở sản xuất lượng lớn dầu ăn, mì chính giả chuẩn bị ra thị trường

(SKTE) - Các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh và hạt nêm giả vừa được phát hiện đều không đạt các chỉ tiêu công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
Ảnh đại diện tin bài

Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì) phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty này đã đưa ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Các sản phẩm thường bán cho các bếp ăn công nghiệp nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Danh sách các sản phẩm bị làm giả như: 

Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore và Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt Việt Nam, công nghệ Nhật Bản.

Dầu ăn Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore và Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore.

Bột canh cao cấp Hà Nội và Hạt nêm Bếp Hồng Việt, đóng trong các túi ni lông với quy cách 400g/túi đối với bột canh và 5kg/túi đối với hạt nêm.

Cơ quan công an kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Công an Phú Thọ. 

Các sản phẩm đều do công ty tự công bố. Nhưng kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định về thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm đều không đạt so với các chỉ tiêu công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn.

Ảnh hưởng gì tới sức khỏe?

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết, các sản phẩm làm giả trên đều nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng.

Ông Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần công bố các sản phẩm có những chất gì. Điều lo ngại nhất là các đối tượng có thể sử dụng chất tạo ngọt cho mì chính, hạt nêm không có trong danh mục chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép.

Người tiêu dùng ăn phải hàng giả có thể bị dị ứng, choáng váng, nhức đầu,... về lâu dài dẫn đến suy gan, thận, ngộ độc nhưng chưa có biểu hiện cấp tính nên khó nhận biết.

Đối với dầu ăn, Phó giáo sư Thịnh cho biết sản phẩm kém chất lượng thường là dầu ăn tái chế. Người dùng dầu ăn tái chế chiên rán gặp nhiều nguy hiểm với sức khỏe, có thể gây ung thư.

Những loại dầu này được thu gom từ các nhà hàng với số lượng lớn và tái chế bán ra thị trường. Loại này đã được sử dụng và trong quá trình chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ biến tính sản sinh ra transfat - một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide...

Cách nhận biết

Để nhận biết bột ngọt, hạt nêm giả, ông Thịnh cho biết rất khó. Trong một số trường hợp, có thể nhìn quy cách đóng gói như hàng chính hãng có các mép dập đều nhau, mềm, mịn. Hạt mì chính giả thường có cánh sắc, không vuông thành. Hạt nêm giả hay nhái tên các thương hiệu nổi tiếng hoặc bán theo cân, không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc.

Cách nhận biết dầu ăn giả dễ hơn, người nấu có thể ngửi dầu có mùi khét. Khi mua đồ chiên rán có mùi khét, bạn không nên ăn. Các bà nội trợ có thể thử bằng cách lấy ít dầu ăn và nước cho vào nồi đun sôi. Khi nước bốc hơi có mùi khét là dầu kém chất lượng.

Các loại thức ăn vỉa hè, chợ dân sinh, hàng quán cũng có nguy cơ chế biến từ các loại dầu giả để đảm bảo lợi nhuận của người bán.

Để chọn gia vị nấu ăn an toàn, Phó giáo sư Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn hàng từ những nhà sản xuất uy tín, có nhãn mác đầy đủ thông tin như tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng và thành phần phụ gia. Đối với thực phẩm nhập khẩu, nhãn phụ bằng tiếng Việt là bắt buộc để đảm bảo an toàn.

Hà Lam
Vấn nạn sữa giả Khi trẻ thơ trở thành nạn nhân của lòng tham vô đáy
Vấn nạn sữa giả: Khi trẻ thơ trở thành nạn nhân của lòng tham vô đáy

(SKTE) - Khi đường dây sản xuất sữa giả bị cơ quan chức năng phanh phui, nhiều phụ huynh bàng hoàng lo lắng, người lập tức cho con đi khám, người tự trách vì mua phải hàng giả... Mua sữa để muốn con mình khoẻ mạnh hơn, nhưng rồi người chịu hậu quả chính là những trẻ em đã sử dụng sữa giả.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự