Chủ Nhật, 12/01/2025 16:21 (GMT+7)

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Suy nghĩ cũ trong bối cảnh mới

(SKTE) - Không thể phủ nhận, công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội đã và đang đóng góp tích cực đến quá trình phát triển, trưởng thành của trẻ.
Ảnh đại diện tin bài

Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa: INT 

Tuy nhiên, đi kèm đó là những ảnh hưởng tiêu cực, gây mất an toàn cả thể chất lẫn tinh thần, trẻ bị xâm hại, bạo hành trên môi trường mạng thường xuyên diễn ra. Vấn đề đặt ra, liệu hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã đủ?

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena: Chưa có chế tài cụ thể

Luật Bảo vệ trẻ em và các nghị định, quy định bảo vệ trẻ em có nội dung theo bối cảnh khá cũ. Đa phần, trẻ em được bảo vệ theo “suy nghĩ cũ”, nghĩa là những hành động, hành vi bạo lực ghi nhận bằng mắt thường như đấm, đá, tương tác giữa người. Liên quan đến bạo lực trên không gian mạng, dù hậu quả để lại nặng nề nhưng chưa có chế tài cụ thể.

Thực tế, không gian mạng là nơi phức tạp và nhiều sự lôi kéo, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTtok… Từ 2016 đến 2021, các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại chưa phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, từ 2022 đến nay, các thiết bị này bắt đầu len lỏi đến trẻ từ 6 tuổi trở lên. Thậm chí, nhiều em sử dụng công nghệ thạo hơn biết mặt chữ.

Hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được Nhà nước ban hành như: Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”… Năm 2021, Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN được thông qua.

Luật Bảo vệ trẻ em, các nghị định hiện nay còn nhiều “lỗ hổng”, chỉ giải quyết ở nhu cầu xử lý chứ chưa triệt để phòng ngừa, vì thế vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại, lợi dụng, bạo lực trên môi trường mạng.

Điển hình trước đây có trò chơi “cá voi xanh” trên TikTok. Bằng cách ra nhiệm vụ và yêu cầu trẻ em thực hiện theo gây nên suy nghĩ lệch lạc, hành động sai trái, tự làm đau bản thân hoặc tự tử hay nhiều vụ việc trẻ vì nghiện game online mà có hành vi bạo lực đối với người thân, gia đình khi không được cho tiền.

Để bảo vệ trẻ em, cần có quy định cụ thể về xử lý các thông tin trên các nền tảng mạng xã hội không phù hợp. Đồng thời, phải có cơ chế quản lý để rà soát triệt để, đặc biệt các trang mạng nước ngoài, hạn chế hoặc cấm nếu cần thiết nếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Bên cạnh đó, trong môi trường giáo dục, cần nghiêm cấm sử dụng điện thoại, nhất là với học sinh cấp tiểu học và THCS. Bởi hiện nay, học sinh phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử, sử dụng công nghệ AI, tra cứu kết quả… Như vậy, các em không chủ động tư duy, trao đổi, nghiên cứu, tìm phương án để giải bài tập mà nhờ tới trí tuệ nhân tạo.

Trong giai đoạn không gian mạng đang phát triển và khó kiểm soát, phụ huynh cần quan tâm, giám sát chặt chẽ cách sử dụng mạng xã hội và các mối quan hệ trên không gian ảo của các em.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường tâm lý, thay đổi nếp sinh hoạt, tham gia các trang, hội, nhóm tiêu cực hoặc kết giao cùng những bạn chưa ngoan, phụ huynh nên phối hợp cùng nhà trường và cơ quan chức năng có thẩm quyền tìm hiểu, ngăn chặn ngay, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena. Ảnh: NVCC 

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng pháp luật

Hiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta còn ít, chưa đồng bộ dẫn đến thiếu cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội.

Các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, bị mua bán... trên môi trường mạng chưa cụ thể.

Do đó, thời gian qua, hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em nói chung và trên môi trường mạng nói riêng rất được quan tâm xây dựng, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần chú ý các quan điểm và cách tiếp cận sau: Có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng tương ứng với những hành vi ở đời thực; chú ý đánh giá hậu quả tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức…

Tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường trong đời thực tương ứng trên môi trường mạng; tăng nặng và dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Cùng đó, cần nhận diện đầy đủ hành vi nào là xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, hành vi nào có nguy cơ… để quy định trong các văn bản pháp luật. Có quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; mức độ, biện pháp xử lý cụ thể cho mỗi hành vi vi phạm đủ sức răn đe để áp dụng trên thực tế, cảnh báo cho hành vi vi phạm tiếp theo.

Bên cạnh việc điều chỉnh, chỉnh lý các văn bản, nghị định pháp luật về bảo vệ trẻ em thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng rất cần thiết.

 Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM). Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Đen - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau: Rà quét, chặn thông tin xấu - độc

Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Cà Mau có hơn 1,3 triệu thuê bao di động và trên 1 triệu thuê bao Internet. Điều này cho thấy số lượng người dân sử dụng điện thoại di động và Internet chiếm tỷ lệ khá cao, kéo theo nhu cầu sử dụng mạng của trẻ em cũng phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Đi cùng với lợi ích, không gian mạng cũng đem đến những tác động tiêu cực đối với trẻ em. Việc sử dụng mạng Internet trong thời gian dài và thường xuyên có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em. Đồng thời, tình trạng nghiện game đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các em.

Đặc biệt, hành vi lừa đảo, thông tin xấu độc diễn ra nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Trẻ có thể bị xâm hại bằng nhiều hình thức qua mạng xã hội như bị bắt nạt, xâm hại tình dục, lợi dụng thông tin, hình ảnh để trục lợi,…

Ông Nguyễn Văn Đen - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Q.M 

Thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Có thể nói, chúng ta có đầy đủ hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên việc thực hiện chưa chặt chẽ. Việc bảo vệ em trên không gian mạng còn những hạn chế do một số đơn vị, địa phương chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai các văn bản chỉ đạo, quá trình thực hiện còn khó khăn, bất cập.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nâng cao tuyên truyền, cảnh báo về các nguy cơ nguy hiểm, xâm phạm trẻ em trên không gian mạng.

Khẩn trương thành lập trung tâm xử lý tin giả, xấu độc để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, thông tin có ảnh hưởng đến trẻ em trên không gian mạng; triển khai giải pháp rà quét, phát hiện, gỡ chặn thông tin, bài viết, hội nhóm ảnh hưởng tới trẻ em, trẻ vị thành niên để bảo vệ các em trên không gian mạng; có thông tin cảnh báo, khuyến khích các nội dung không phù hợp.

Cùng đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm trên không gian mạng nhằm giúp người sử dụng mạng xã hội nói chung và trẻ em nói riêng được tiếp cận thông tin an toàn, lành mạnh và các ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích, hạn chế những rủi ro nguy hiểm khi tham gia mạng xã hội.

Bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau: Cần phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía

Bà Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Q.M 

Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em đã đủ nhưng cần sự phối hợp từ nhiều phía, tạo sức mạnh cộng hưởng. Trước nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn rất cần thiết.

Trước tiên, cần bắt đầu từ tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, phổ biến kiến thức kỹ năng cơ bản an toàn mạng đến toàn xã hội, ở đó có cả cha mẹ và trẻ em. Cần phối hợp, tạo sức mạnh cộng hưởng giữa các ngành, đơn vị như: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn, đội, hội… thông qua hoạt động trong và ngoài nhà trường, hoạt động đoàn đội, hội.

Mặt khác, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, đổi mới cách thức, nội dung theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ. Đa dạng đối tượng tuyên truyền, triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, nhà báo… chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng đến từng trường, lớp học, ấp, tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng. Trong những ngày nghỉ hè, phát triển các chương trình, hình thức giáo dục thông qua hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ dân phố, trung tâm tư vấn.

Cùng đó, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ về hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và có biện pháp xử lý đối với đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, cần bổ sung thêm khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ mới liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em trên không gian mạng để có thể cụ thể hóa từng hành vi vi phạm và đưa ra các hình thức chế tài phù hợp.

Hình thức bạo hành trẻ em hiện nay hay gặp phải có thể kể đến như “bắt nạt trực tuyến” còn gọi là “bạo lực mạng” nhưng chưa được pháp luật cụ thể hóa, đồng thời để có thể tội phạm hóa các hành vi ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau.

Lâm Ngọc
Mong ước ngày cận Tết của cô bé 6 tuổi mắc bệnh ung thư máu
Mong ước ngày cận Tết của cô bé 6 tuổi mắc bệnh ung thư máu

( SKTE) - Trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, khi những đứa trẻ khắp nơi háo hức chờ đợi được mặc quần áo mới, tung tăng chơi đùa dưới ánh nắng xuân, thì bé N.T.H.N., 6 tuổi đang điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ có một điều ước giản dị: được khỏi bệnh để về nhà đón Tết cùng cha mẹ và anh trai. Ước mơ bé nhỏ ấy như ngọn lửa âm ỉ, sưởi ấm tâm hồn non nớt giữa những ngày dài mệt mỏi vì hóa chất.

Thu giữ 14 tấn thực phẩm cho trẻ em không có hóa đơn, không qua kiểm định
Thu giữ 14 tấn thực phẩm cho trẻ em không có hóa đơn, không qua kiểm định

(SKTE)- 14 tấn tấn hàng hoá là thực phẩm (gồm xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo và một số mặt hàng phổ biến được trẻ em ưa chuộng) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ vừa bị lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện...

Khoảng 400 triệu trẻ em trên thế giới đang sống trong vùng xung đột
Khoảng 400 triệu trẻ em trên thế giới đang sống trong vùng xung đột

(SKTE) - Theo báo cáo mới nhất từ Liên Hợp Quốc, hiện nay có khoảng 400 triệu trẻ em, tương đương hơn 1/6 trẻ em trên thế giới, đang sống trong các khu vực xung đột hoặc phải rời bỏ nhà cửa để tránh chiến tranh. Đây là một thực trạng đáng báo động, cho thấy trẻ em đang phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng về an toàn và tương lai của chính mình.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam