Dẫu tóc bạc, sức yếu nhưng với trái tim nhiệt huyết và tình yêu thương vô bờ, những giáo viên hưu trí tại Quảng Ngãi đã mở lớp học miễn phí, chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật trên hành trình hướng đến một tương lai tươi sáng.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, hướng dẫn học sinh viết bài.( Ảnh: Đinh Hương/ TTXVN)
Bằng tấm lòng nhiệt huyết và tình yêu thương trẻ, một số giáo viên đã nghỉ hưu tại Quảng Ngãi đã mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật.
Dẫu tóc bạc, mắt mờ, sức yếu nhưng tâm trí của các thầy, cô vẫn sáng để soi đường cho các em tiếp bước đến tương lai.
Lớp học đặc biệt
12 năm nay, tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh có một lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật do Hội Cựu giáo chức xã tổ chức giảng dạy. Thầy Trần Đình Vương (70 tuổi), Chủ tịch Hội là người vận động các đồng nghiệp cùng mở lớp, giảng dạy.
Lớp học tình thương tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Nhớ lại ngày đầu mới mở lớp, thầy Vương cho biết để có được lớp học, các thầy, cô giáo phải rà soát những trẻ khuyết tật có thể vận động được nhưng không đến trường, từ đó thuyết phục phụ huynh đưa các em đến lớp học tình thương này.
Chương trình học của các em cũng chỉ có hai môn là Toán và Tiếng Việt. Xen lẫn giữa hai tiết học văn hóa là tiết dạy phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập và hoạt động vui chơi.
Có 8 giáo viên thay phiên nhau đứng lớp giảng dạy cho các em học sinh. Những thầy cô giáo này từng là giáo viên của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Sơn Tịnh nay đã nghỉ hưu nên tình nguyện để dạy miễn phí cho các em.
Mong muốn nhất của các giáo viên đặc biệt này là các em khỏe mạnh và biết đọc, biết viết... Như vậy nghĩa là các thầy, cô dù đã về hưu, vẫn còn cống hiến được cho xã hội.
Lớp học này hiện có 7 học sinh, nhỏ nhất 13 tuổi, lớn nhất 26 tuổi đều là người khuyết tật. Do đó, để dạy được cho những đối tượng đặc thù này, thầy, cô giáo phải chuẩn bị bài giảng riêng cho từng em.
“Những ngày đầu chưa quen với việc dạy trẻ khuyết tật, nhiều giáo viên rất bỡ ngỡ. Do đó, chúng tôi phải mượn tài liệu của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh về tìm hiểu. Mỗi buổi dạy phải có hai giáo viên đứng lớp. Một người cầm phấn giảng dạy trên bục giảng, một người nắn nót cho các em từng nét chữ,” thầy Vương, cho hay.
Cũng giống như thầy Vương, thầy Đoàn Thanh Lên cho rằng dạy cho học sinh khuyết tật không những khó mà còn mệt vì dù các em có lớn nhưng chưa có khôn, chưa biết đọc, biết viết, thậm chí nhiều em không biết nói và không ý thức được hành vi của mình. Do đó, để có thể dạy học, trước hết giáo viên phải tìm hiểu bệnh trạng của mỗi em, làm bạn với các em và quan trọng nhất là luôn biết khen ngợi, động viên các em.
Dạy cách làm người bình thường
Nếu như ban đầu các em đều chưa biết gì thì sau thời gian dài học tập, mỗi em đều có kỹ năng sống nhất định. Điều đặc biệt là các em rất thích đi học.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, xã Tịnh Thọ cho biết con của bà bị bệnh down, trước khi đến với lớp học này, cháu không biết gì, ở nhà chỉ ăn với ngủ. Nhưng từ ngày được đến đây học thì cháu tiến bộ rất nhiều. Mặc dù cháu học trước quên sau, nhưng về nhà biết phụ giúp một số việc, biết tự vệ sinh cá nhân, gặp người khác cũng biết chào hỏi.
Cô Trương Thị Thu Cúc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, giảng bài cho học sinh. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Tại Nhà văn hóa xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành cũng có một lớp học tình thương dành cho các em khuyết tật do cô Trương Thị Thu Cúc (71 tuổi), giáo viên về hưu mở và trực tiếp giảng dạy từ năm 2015 đến nay.
Ngoài cô Cúc, hiện có hai giáo viên khác đang tham gia giảng dạy trên lớp. Nói về cơ duyên đến với lớp học tình thương này, cô Cúc chia sẻ là giáo viên nên cô biết có nhiều học sinh khuyết tật mặc dù theo học chương trình phổ thông và được lên lớp “đều đều” nhưng bị hổng kiến thức nghiêm trọng. Có cháu học Trung học cơ sở nhưng vẫn chưa biết chữ. Do đó, khi nghỉ hưu cô đã xin phép chính quyền địa phương mở lớp học tình thương này để củng cố kiến thức cho các em.
Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, 10 học sinh trong độ tuổi từ 7-15 lại đến lớp. Các em không chỉ được cô Cúc ôn lại kiến thức cơ bản theo chương trình học mà còn được hướng dẫn viết từng chữ cái, con số. Những buổi học được linh hoạt chia ra làm các phần học chữ và số, múa hát để các em thêm hứng thú.
Đến với lớp học này, các cháu không chỉ được dạy miễn phí mà còn được cấp sách vở, đồ dùng học tập từ nguồn vận động của cô Cúc và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, bản thân cô cũng thường xuyên trích lương hưu để mua bánh kẹo, đồ ăn cho các cháu vui.
Qua nhiều năm, những lớp học tình thương của các giáo viên về hưu đã dạy miễn phí cho nhiều học sinh khuyết tật, trong đó, có em đã “tốt nghiệp”, có thể đi làm công nhân, cũng có em đã lập gia đình; một số em “chậm” hơn cũng đã biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp ba mẹ việc nhà.
Cô Phan Thị Ánh Lệ, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành cho biết thực hiện phổ cập giáo dục, các em khuyết tật trong khả năng đều được tạo điều kiện đến trường để hòa nhập.
Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục, giáo viên phải dạy cho nhiều đối tượng học sinh, nên không thể quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Do đó, đến với lớp học tình thương của cô Trương Thị Thu Cúc, các em không chỉ được quan tâm, yêu thương, chia sẻ mà còn được tiếp cận kiến thức phù hợp với khả năng của mình.
Cô Cúc và những thầy, cô giáo giảng dạy tại lớp học tình thương là những tấm gương sáng về lòng yêu trẻ, đam mê với nghề để giáo viên như chúng tôi noi theo.
Với những cống hiến lặng thầm mà cao cả, các thầy, cô giáo nghỉ hưu đầy nhiệt huyết, hết mình vì trẻ khuyết tật là những tấm gương đáng kính, đáng trọng, trọn đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp “trồng người.” Hy vọng các thầy, cô giáo luôn mạnh khỏe để tiếp tục giảng dạy cho những trẻ kém may mắn, giúp các em có thể trở thành người có ích cho xã hội./.