Thứ Ba, 29/04/2025 09:00 (GMT+7)

Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh nửa thế kỷ chuyển mình

Nửa thế kỷ, từ gian khó, Sài Gòn - TP.HCM vươn mình thành đô thị sáng tạo, đầu tàu kinh tế. Tương lai bứt phá với siêu đô thị mới, động lực tăng trưởng khu vực.
Ảnh đại diện tin bài

Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đơn thuần mà còn là một dự án mang tính chiến lược, có tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của TP.HCM (Ảnh: Khánh Hiệp)

Nửa thế kỷ, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã kiên cường vượt qua nhiều giai đoạn thử thách để giữ vững vị trí là đô thị sáng tạo và đầu tàu kinh tế của cả nước. Là thành phố hiện đại vào bậc nhất nhưng TP.HCM vẫn giữ được những kiến trúc cổ đan xen và xây dựng được một môi trường sống văn minh, nghĩa tình.

Trong tương lai, TP.HCM sẽ là một “đô thị đặc biệt” với sự hợp nhất của 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng. Sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tạo ra một siêu đô thị mới, đóng vai trò động lực tăng trưởng của cả khu vực Nam bộ.

Thành phố dưới góc nhìn của kiều bào và bạn bè quốc tế

Năm 1990, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đi định cư ở nước ngoài. Ông đã sống tại Canada, Mỹ, Pháp và đi dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới.

Tuy nhiên, xác định: Đi là để trở về, nên khi các con đã trưởng thành, cả gia đình ông quay về Việt Nam sinh sống. Bởi Sài Gòn-TP.HCM, nơi ông đã trải qua tuổi thanh niên tranh đấu sôi nổi trong những năm tháng chống Mỹ và ông cũng là người chứng kiến thời khắc lịch sử vào trưa ngày 30/4/1975: Sài Gòn được giải phóng.

Về Việt Nam, với kinh nghiệm tích lũy từ nước ngoài, ông truyền thụ cho thế hệ trẻ những kiến thức mới với tâm huyết đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng phát triển TP.HCM và đất nước.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho rằng TP phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng, cao tầng mọc lên nhiều nhưng vẫn giữ được những kiến trúc cổ đan xen, không phá vỡ không gian ở những khu vực trung tâm. Đây là điều mà không phải nơi nào cũng làm được trong quá trình phát triển.

sai gon-thanh pho ho chi minh nua the ky chuyen minh hinh anh 2
Landmark 81 không chỉ là công trình kiến trúc cao tầng, tòa nhà cao nhất nước mà còn là biểu tượng cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung (Ảnh: Khánh Hiệp)

Còn Nguyễn Hữu Minh, kiều bào Mỹ lại cảm nhận sự chuyển mình vượt bậc của thành phố này về mọi lĩnh vực sau mỗi năm trở về Việt Nam. Đặc biệt, tuyến Metro số 1 đầu tiên vừa được khánh thành đã tạo dấu ấn cho kiều bào như Minh và khách quốc tế khi đến TP.HCM vào dịp này.

Minh tâm sự, 25 năm định cư ở Mỹ, nhưng anh may mắn có nhiều cơ hội để trở về Việt Nam đầu tư. Anh cũng đang kết nối với bạn bè ở Mỹ và sẽ hướng dẫn cho họ cách thức đầu tư tại Việt Nam.

Bản thân Minh đang ấp ủ dự án đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam. Anh khẳng định Y tế của Việt Nam, nhất là TP.HCM không thua gì các nước trên thế giới.

Dưới góc nhìn của nhà ngoại giao, bà Josefine Wallat - Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM, Trưởng Đoàn Lãnh sự tại TP bày tỏ: Sự phát triển của TPHCM với những cải thiện tích cực về môi trường đầu tư đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp FDI.

Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hướng đến Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận để tăng mức đầu tư trực tiếp.

Bà Josefine mong chờ những tuyến metro kết nối tốt hơn để các doanh nghiệp FDI tham gia đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển tích cực của Thành phố.

Là nơi khơi nguồn sáng tạo

Với hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn-TPHCM là vùng đất “trẻ”. Chính sức trẻ này đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho thành phố trong từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Đặc biệt, sau ngày giải phóng, từ bao gian khó, vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa bị bao vây cấm vận kinh tế, thiếu thốn trăm bề, TP.HCM vẫn đi đầu trong các phát kiến, tìm kiếm cơ hội, đột phá, sáng tạo với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của lãnh đạo TP.

Trong công cuộc đổi mới, Thành phố đã khẳng định vai trò vị trí là trung tâm lớn của cả nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Nếu trong 10 năm từ 1975 đến 1985 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì trong giai đoạn đầu của đổi mới (từ 1986 đến 2010), GRDP tăng bình quân 10,5%/năm.

TP là một trong số ít đô thị của cả nước tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài. Mức thu nhập bình quân đầu người của TP năm 2011 bằng 2,4 lần so với mức bình quân đầu người trong cả nước.

Nhiều ý kiến khẳng định: TP.HCM là nơi của những người có giấc mơ lớn, nơi khởi đầu của sự sáng tạo và hình thành những thương hiệu lớn của quốc gia và vươn tầm quốc tế.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk tâm sự: TP.HCM có 50 năm phát triển thì Vinamilk có 49 năm đồng hành. TP chính là cái nôi của sự năng động, sáng tạo.

Nhờ lãnh đạo TP đi trước mở đường, cam kết chịu trách nhiệm đã tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân phát triển, và mới có một doanh nghiệp Vinamilk đa quốc gia như hôm nay.

sai gon-thanh pho ho chi minh nua the ky chuyen minh hinh anh 4
Dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt là những khu đô thị mới, khu dân cư hiện đại, góp phần mở rộng không gian đô thị của TP.HCM (Ảnh: Hà Khánh)

Ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng (Đại Dũng Corp) 1 trong 50 doanh nghiệp - đơn vị tiêu biểu của TP.HCM khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của TP trong các chính sách ưu đãi, trong đào tạo, quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu thì Đại Dũng không thể có ngày hôm nay.

Từ một xưởng sản xuất cơ khí nhỏ tại huyện Bình Chánh được xây dựng năm 1995, nay trở thành top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực kết cấu thép và cơ khí chế tạo.

Sản phẩm của tập đoàn xuất đi tất cả các châu lục, nhất là các thị trường, như: Nhật Bản, Úc, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông. Đại Dũng Corp đang đặt mục tiêu phấn đấu là doanh nghiệp tỷ đô và là doanh nghiệp top 10 thế giới về ngành cơ khí chế tạo.

Theo đánh giá, đã có một thời gian, mức tăng trưởng của TP có dấu hiệu sụt giảm, rồi đại dịch Covid-19 ập đến. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, kinh tế TP đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Sự điều hành linh hoạt của lãnh đạo TP đã giúp cho kinh tế TPHCM tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Riêng năm 2024 có mức tăng trưởng là 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt hơn 500.000 tỷ đồng. Các dự án lớn nhằm phát triển hạ tầng kết nối giao thông, cải tạo môi trường và chỉnh trang đô thị tiếp tục được triển khai làm thay đổi diện mạo của TP.

“Đô thị đặc biệt” trong tương lai

Trong tháng tư này, nhiều công trình quan trọng đánh dấu bước chuyển mình của thành phố trong sự phát triển cùng cả nước đã được khởi công, khánh thành.

Đặc biệt, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với diện tích 2.870 ha do Tập đoàn Vingroup khởi công ngày 19/4 được đánh giá là công trình trọng điểm, mang tính đột phá, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế biển của thành phố.

sai gon-thanh pho ho chi minh nua the ky chuyen minh hinh anh 5
TPHCM định vị Cần Giờ - khu đô thị ESG quốc tế (Ảnh: Nguyễn Quang)

Người dân Cần Giờ kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội để có thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống. Bà Phạm Thị Nhung, người gắn bó với thị trấn Cần Thạnh từ năm 1976 tin tưởng: dự án lấn biển này sẽ tạo ra cho Cần Giờ một sự đột phá lớn về phát triển du lịch, giúp cho người dân nơi đây có được cuộc sống tốt đẹp hơn.   

Cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM cũng đang gấp rút triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn theo Nghị quyết 18 của Ban chấp hành trung ương Đảng.

HĐND TP.HCM mới đây đã chính thức thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM để hình thành một đô thị trực thuộc Trung ương mới, vẫn giữ tên gọi TP.HCM.

Sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ có tổng diện tích 6.772 km2, dân số 13,7 triệu người với 190 đơn vị hành chính trực thuộc và sẽ trở thành một “đô thị đặc biệt”.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc sáp nhập này sẽ cộng hưởng các lợi thế, ưu điểm của các địa phương. Bởi Bình Dương là đô thị thông minh toàn cầu, còn Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vận chuyển hàng hải quốc tế với cảng biển nước sâu, nay lại có thêm Cần Giờ sẽ tạo nên tiềm lực rất lớn cho sự phát triển vượt bậc của siêu đô thị TP.HCM.

sai gon-thanh pho ho chi minh nua the ky chuyen minh hinh anh 6
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Hà Khánh)

Nói về về việc hợp nhất TP.HCM (*) với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: TP.HCM mới sẽ là đầu tàu, là động lực lan tỏa cho sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nhưng đồng thời chính sự tham gia hợp tác bổ sung nguồn lực từ các tỉnh, thành phía Nam với thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu để làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TP.HCM mới.

 TP.HCM đang bước sang chặng đường phát triển mới với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc sắp xếp hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền hệ thống 2 cấp. Chính vì vậy, lãnh đạo TP.HCM mong muốn có sự tham gia chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng TP Anh hùng, đưa TP vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

_________________________

(*) Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: Mục tiêu đến năm 2030: Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế./.

Cao Thoa/VOV
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

(SKTE)- Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.20252025), Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có bài viết quan trọng với tiêu đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Tạp chí Sức khỏe trẻ em trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

116 nghìn tỷ đồng cho giáo dục mầm non Đầu tư chiến lược, quyết sách lịch sử
116 nghìn tỷ đồng cho giáo dục mầm non: Đầu tư chiến lược, quyết sách lịch sử

(SKTE) - Một quốc gia muốn đi xa, trước hết phải biết đi sớm. Và đi sớm nhất, chính là đi từ những bước đầu tiên của trẻ thơ, đầu tư và ươm mầm ước mơ cho những đứa trẻ. Trong tinh thần đó, chủ trương lần này của Đảng là một quyết sách lịch sử, một cam kết lâu dài, và một biểu hiện sinh động của tầm nhìn kiến tạo vì con người.

Phát huy truyền thống, vững bước kỷ nguyên số
Phát huy truyền thống, vững bước kỷ nguyên số

(SKTE)- “Trong hành trình 75 năm lịch sử đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

Chủ tịch Nước Lương Cường gặp gỡ và biểu dương Tấm gương sáng của “Việc tử tế”
Chủ tịch Nước Lương Cường gặp gỡ và biểu dương Tấm gương sáng của “Việc tử tế”

(SKTE) - Ngày 16/4/2025, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã biểu dương 100 gương mặt tiêu biểu trong phong trào “Việc tử tế”. Trong số đó, bà Phan Thị Phúc - Chủ nhiệm CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội thuộc Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam, là một trong những tấm gương sáng, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và lòng nhân ái trong cộng đồng.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự