Chiều 8/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra hai dự án trong 40 ngày làm việc. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2024, khi cần thiết có thể xem xét thời điểm trước hoặc sau. Đoàn gồm 11 thành viên do ông Ngô Đình Long, Vụ phó Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III) làm trưởng đoàn.
Thanh tra Chính phủ cho biết đây là hai dự án điển hình về lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập. Việc thanh tra hai dự án thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phó tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường nói mục đích của cuộc thanh tra là đánh giá việc chấp hành pháp luật trong triển khai hai dự án để phát hiện những hạn chế, vi phạm nếu có. Từ đó các cơ quan sẽ xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và những bất cập, sơ hở của pháp luật để có giải pháp hoàn thiện.
Thanh tra yêu cầu Bộ Y tế (chủ đầu tư hai dự án) phối hợp, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu khoa học giúp đoàn làm sáng tỏ vấn đề.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hôm 31/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan thanh tra để kết luận hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam trước 31/3/2025.
Hai bệnh viện sẽ hoạt động trong năm nay
Tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 tại Hà Nam sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Ông nhấn mạnh năm 2014 Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 "là phù hợp với chủ trương chung về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa dịch vụ y tế chất lượng cao về gần dân".
Hai dự án giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao nhanh và hiệu quả nhất, đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội. Các công trình thực hiện theo hợp đồng vừa thiết kế vừa thi công lắp đặt. Quá trình thực hiện gặp một số khó khăn nên từ tháng 1/2021 nhà thầu đã dừng thi công và chỉ bắt đầu làm việc trở lại từ đầu tháng 11/2024.
Ngày 6/1, Bộ Y tế đã hoàn thiện phương án khắc phục vướng mắc, trình Chính phủ cho ý kiến trước khi chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai các giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết hình thức hợp đồng vừa thiết kế vừa thi công đã phổ biến trên thế giới. Việt Nam cũng đã áp dụng hình thức này tại một số công trình. Tuy nhiên, quy định đầu tư công rất cụ thể và chặt chẽ nên có những văn bản gây vướng mắc khi thực thi.
Hai công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam khởi công năm 2014, mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 đã quá tải bệnh nhân. Hai dự án nằm trong đề án của Bộ Y tế xây dựng 5 bệnh viện lớn cả nước, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm.
Bạch Mai vận hành một phần cơ sở 2 vào năm 2019, nhưng dừng hoạt động từ tháng 3/2020. Còn Việt Đức chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Hiện khuôn viên hai bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục còn thi công dang dở, phần lớn chưa có trang thiết bị y tế.
Năm 2023, Thủ tướng quyết định lập tổ công tác của Chính phủ với sự tham gia của Bộ Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để cùng rà soát, tháo gỡ khó khăn. Tổ công tác đã nhiều lần rà soát hồ sơ dự án, đánh giá toàn diện về pháp lý, kỹ thuật liên quan và đề xuất cấp có thẩm quyền các phương án xử lý. Đầu tháng 11/2024, Thủ tướng yêu cầu trong nửa năm tới Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 tại Hà Nam.Thanh tra hai dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2.