Chủ Nhật, 10/11/2024 08:41 (GMT+7)

Đau mắt đỏ ở trẻ em: Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Số trẻ em bị đau mắt đỏ gia tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Do tính chất lây lan mạnh, nên nhiều trường học có tình trạng đến hơn nửa lớp lây đau mắt của nhau.
Ảnh đại diện tin bài

Bệnh nhi khám mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: THẾ KHẢI)

Bệnh nhi khám mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: THẾ KHẢI)

Đau mắt đỏ ở trẻ em: Những điều cần lưu ý

Nguyễn Thị M. (9 tuổi) bị lây đau mắt đỏ từ bạn trong lớp. Lớp M. hiện đã có 10 bạn nghỉ vì đau mắt đỏ. Mẹ M. vẫn kiên trì cho con điều trị tại nhà, đến ngày thứ 5, tình trạng đỏ nặng hơn, đau cả 2 mắt, có ghèn, chị vội đưa con đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám. "Bác sĩ kê đơn thuốc về nhà, hướng dẫn cách rửa mắt và tra thuốc và hẹn sau 2 ngày tái khám. Nếu tái khám mà có giả mạc, con sẽ phải bóc giả mạc", mẹ bé M. cho hay.

Sau 10 ngày bị đau mắt đỏ, bé Trịnh Thùy D. (Hà Đông, Hà Nội) thấy có triệu chứng mờ mắt. Đi khám, bé được bác sĩ chẩn đoán bị viêm giác mạc chấm nông. Đây là tình trạng phổ biến của viêm kết mạc cấp tính năm nay, nhưng hậu quả rất nặng nề. Mẹ bé D. chia sẻ, kể từ sau Covid-19, hầu hết bài tập các con sẽ làm trên máy tính, nhưng tình trạng mắt của con hiện nay cần phải hạn chế tối đa các thiết bị di động, tivi, máy tính, thậm chí cả hạn chế ra ánh sáng.

"Bác sĩ chỉ định con tôi phải nghỉ ngơi. Nếu không cố gắng hạn chế tiếp xúc ánh sáng, sau này con có thể bị mờ mắt kéo dài tới 6 tháng", mẹ bé D. quan ngại nói.

Đau mắt đỏ ở trẻ em khi không được chăm sóc và điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, gây mù lòa. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa.

Bệnh đau mắt đỏ, còn được gọi là là bệnh viêm kết mạc, được gây ra bởi một số siêu vi tác động lên lớp màng của nhãn cầu gây viêm, sung huyết nên được gọi là đau mắt đỏ. Bệnh thường bùng phát vào mùa hè đến cuối thu.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 71.000 người bị đau mắt đỏ. Đồng thời, dịch bệnh đau mắt đỏ cũng diễn ra tại các tỉnh, thành phố khác như Quảng Nam, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng. Tần suất nhiễm bệnh này trong cộng đồng cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái.

Hiện nay, tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi đồng II, Nhi đồng III, Nhi đồng IV, tỷ lệ bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ tăng cao. Đáng lưu ý, trong số những bệnh nhân này, có đến 50% là trẻ em.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Huy Trụ, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có các triệu chứng: Đầu tiên, trẻ bị đau mắt. Sau khi nhiễm virus gây bệnh, mắt trẻ có biểu hiệu xung huyết, làm mắt đỏ.

Thứ hai, trẻ cảm thấy ngứa, cộm mắt. Điều này khiến trẻ có xu hướng dụi mắt nhiều hơn, mắt ngày càng đỏ hơn. Trẻ bị đau mắt đỏ sẽ có nhiều ghèn mắt (rỉ mắt) khi mới ngủ dậy. Đôi khi, ở một số trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc đau họng…

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em là do siêu vi. Dựa theo kết quả nghiên cứu trong các đợt dịch đầu năm 2023 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, có 2 nhóm virus gây nên bệnh đau mắt đỏ là Enterovirus và Adenovirus.

Phần lớn các ca bệnh do Enterovirus gây ra, chiếm 86%, còn lại là Adenovirus. Bệnh nhân nhiễm bệnh do nhóm virus nào cũng có thể gặp các triệu chứng từ nặng cho đến nhẹ. Tuy nhiên, bệnh do Enterovirus dễ lây nhiễm hơn còn bệnh do Adenovirus có nguy cơ dẫn đến bệnh mãn tính nhiều hơn.

Bệnh có thể lây lan ngay trước khi có biểu hiện ra bên ngoài. Trong khoảng thời gian mắc bệnh đau mắt đỏ, thậm chí 3 ngày sau khi đã khỏi bệnh, đau mắt đỏ vẫn có thể lây lan cho người khác.

Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ có thể được gây ra bởi các tác nhân khác như vi khuẩn (Staphylococcus aureus, cúm Haemophilus, phế cầu khuẩn, bệnh lậu Neisseria, chlamydia trachomatis) hay do virus herpes, kích ứng với thành phần của thuốc nhỏ mắt, dị ứng.

Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ em nào. Nguy cơ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn nếu trẻ có các yếu tố dưới đây: Trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh đau mắt đỏ; trẻ có hệ miễn dịch suy giảm; trẻ có thói quen vệ sinh mắt không đúng cách, thường xuyên đưa tay lên mắt; trẻ sống trong vùng dịch.

Bệnh đau mắt đỏ thường được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng, đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm liên quan để xác định tác nhân gây bệnh như xét nghiệm nước mắt.

Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, trẻ bị đau mắt đỏ sẽ được điều trị dựa vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và thể trạng sức khỏe của trẻ. Trẻ bị đau mắt đỏ thường sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt.

Có 3 loại thuốc nhỏ mắt được sử dụng trong điều trị bệnh này: nước muối sinh lý, kháng sinh và thuốc nhỏ mắt có Corticoid.Tuy nhiên, bác sĩ Trụ khuyến cáo tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt có Corticoid khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân chỉ được sử dụng theo đúng loại thuốc nhỏ mắt và liều lượng do bác sĩ chỉ định.

Cách chăm sóc cho trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà

Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ tại nhà đúng cách giúp tăng hiệu quả điều trị, trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Hơn nữa, điều này còn giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng như sự tái nhiễm của bệnh.

Trẻ bị đau mắt đỏ nên thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý và nhỏ mắt bằng các loại thuốc nhỏ mắt do bác sĩ chỉ định.

Vệ sinh mắt là một phần không thể thiếu khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ. Bố mẹ nên lấy một miếng gạc hoặc khăn sạch đã được khử khuẩn thấm ướt với nước, lau sạch mắt, lấy hết ghèn mắt cho trẻ. Đồng thời, bố mẹ có thể kết hợp rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý.

Mắt trẻ có nhiều ghèn do bệnh đau mắt đỏ gây ra.

Mắt trẻ có nhiều ghèn do bệnh đau mắt đỏ gây ra.

Lưu ý, bố mẹ nên lau bên mắt bị nhẹ hoặc không nhiễm bệnh trước bên còn lại. Gạc sau khi sử dụng nên bỏ vào thùng rác còn nếu bố mẹ sử dụng khăn, hãy giặt riêng và khử khuẩn chúng sau khi vệ sinh mắt cho trẻ.

Virus gây bệnh chủ yếu nằm trong ghèn và nước mắt, con đường lây nhiễm bệnh chính của đau mắt đỏ. Do đó, các đồ dùng cá nhân như khăn tay, đồ chơi của bệnh nhân đau mắt đỏ cần được khử trùng hằng ngày và không dùng chung với những người khác để tránh lây lan bệnh.

Đồng thời, trẻ bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Trường hợp bắt buộc đi đến những nơi công cộng, hay bố mẹ chăm cho trẻ cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp (đeo khẩu trang, kính chắn bọt, rửa tay với xà phòng khử khuẩn,…).

Các siêu vi gây bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan cho người khác qua nước hồ bơi, gây nên dịch bệnh. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ bị đau mắt đỏ đi bơi.

Về ăn uống, trẻ bị đau mắt đỏ nên được ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước. Đồng thời, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế sử xem tivi và các thiết bị điện tử khác.

Thời điểm nên cho trẻ đi khám

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường sẽ hết sau 7 ngày chăm sóc và điều trị phù hợp nhưng đôi khi, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nhẹ, khu trú ở kết mạc. Một số trường hợp, bệnh gây biến chứng nặng, diễn ra ở giác mạc như viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc.

Trẻ bị đau mắt đỏ có thể bị bội nhiễm do trẻ dụi mắt, vi trùng từ tay đi vào mắt gây nhiễm trùng đường mắt. Bệnh đau mắt đỏ cũng có thể khiến trẻ suy giảm thể lực.

Các biến chứng nặng có nguy cơ xảy ra cao hơn ở trẻ suy giảm miễn dịch. Vì vậy, nếu bệnh đã kéo dài 10 ngày, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra lại.

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ diễn ra ở mức độ nhẹ nhưng đôi khi, có một số trường hợp bệnh chuyển biến nặng, nghiêm trọng. Đối với bệnh đau mắt đỏ ở trẻ, tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.

Đặc biệt, nếu trẻ bị đau mắt đỏ có các biểu hiện sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt: Trẻ chảy nước mắt có mủ; trẻ bị đau mắt đỏ dưới 3 tháng tuổi; trẻ sốt; trẻ phát ban; trẻ đau mắt đỏ tái phát; các triệu chứng của đau mắt đỏ không có dấu hiệu cải thiện.

 

 
0
Bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật mới giải quyết bế tắc niệu quản cho trẻ sơ sinh
Bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật mới giải quyết bế tắc niệu quản cho trẻ sơ sinh

Bé trai 1 tháng tuổi có dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, thận niệu quản đôi gây ứ nước thận vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng kỹ thuật nội soi trên xương mu luồn kim vào giải quyết tình trạng bế tắc niệu quản thành công. Đây là kỹ thuật mới đòi hỏi tay nghề cao, dụng cụ chuyên dụng. Tại Việt Nam hiện mới chỉ có Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện.

Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết
Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết?

Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều đồ ăn, thức uống… nhưng cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng khi có vấn đề về sức khỏe xảy ra trong kỳ nghỉ Tết.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam