Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Tài liệu được xây dựng nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các cơ sở khám, chữa bệnh cùng nhân viên y tế trong việc tiếp đón, giao tiếp và khám, chữa bệnh cho người khiếm thính một cách hiệu quả. Đồng thời, tài liệu này cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho người khiếm thính khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo Báo cáo Điều tra về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật về nghe nói. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trên toàn cầu, khoảng 5% dân số tương đương 360 triệu người bị khiếm thính. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ giảm thính lực cao. Hàng năm, cả nước ghi nhận từ 1.200 đến 1.400 trẻ khiếm thính được sinh ra. Tỷ lệ giảm thính lực gia tăng theo độ tuổi, từ 30-40% ở nhóm 65-75 tuổi và từ 40-50% ở nhóm trên 75 tuổi.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, người khiếm thính đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là khi tiếp cận dịch vụ y tế. Các khó khăn bao gồm vấn đề giao tiếp, đăng ký khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, truyền tải thông tin về bệnh trạng đến bác sĩ và nhận thông tin ngược lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý tình huống, thăm khám, chẩn đoán và kết quả điều trị.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết thêm, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quan trọng như Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2.0 (Quyết định số 6858/QĐ-BYT) và Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện (Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013). Những tài liệu này là bước đầu trong việc hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận dịch vụ y tế.
|
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: TTXVN
|
Tuy nhiên, thời gian tới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành và tập huấn các hướng dẫn mới, giúp các cơ sở y tế nâng cao khả năng hỗ trợ người khuyết tật. Đồng thời, nhiều hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực phục hồi chức năng và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật cũng sẽ được triển khai.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, mặc dù chính sách pháp luật về khám, chữa bệnh đã có nhiều điểm tiến bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, nhưng người khiếm thính vẫn gặp nhiều rào cản khi sử dụng dịch vụ y tế.
Chỉ 7/100 người khiếm thính tham gia khảo sát cho biết họ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế. Phần lớn người khiếm thính gặp khó khăn do thiếu thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu trong các cơ sở y tế. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh thiếu bảng điện tử hoặc không vận hành hiệu quả, một số cán bộ y tế chưa có đủ kiên nhẫn hoặc kỹ năng để giao tiếp với người khiếm thính.
Việt Nam cũng chưa phát triển mạnh các thiết bị thông minh hỗ trợ chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt và ngược lại.
Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam mong muốn Bộ Y tế nhanh chóng ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm tra nhằm đảm bảo các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ người khiếm thính khi khám, chữa bệnh. Điều này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện tài liệu Hướng dẫn hỗ trợ người khiếm thính. Tài liệu này được biên soạn bởi Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) dựa trên đề xuất từ Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Người khiếm thính (CED), được Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương hiệu đỉnh và Dự án Hòa nhập hỗ trợ kỹ thuật. Tài liệu hướng đến việc cung cấp một công cụ quan trọng giúp người khiếm thính tiếp cận dịch vụ y tế hiệu quả, đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khiếm thính./.