Sức khỏe

“Thành tựu lớn nhất là cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với công việc!”

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục âm ngữ trị liệu An Bình.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục âm ngữ trị liệu An Bình.

- Xin giám đốc cho biết, tại sao bà lại chọn định hướng cho Trung tâm là giáo dục tâm lý, âm ngữ trị liệu?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ hai khiếm khuyết cốt lõi chính: thứ nhất là khiếm khuyết về giao tiếp xã hội và tương tác xã hội; thứ hai là những sở thích hạn chế, hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại... ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển của trẻ.

Trong quá trình làm việc, tôi thấy rằng nếu có sự đồng hành, phối hợp của phụ huynh thì sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho trẻ nên tập trung vào mảng tâm lý để có thể tư vấn hỗ trợ cho phụ huynh. Phải khẳng định rằng, trước hết cần phải tư vấn cho phụ huynh để họ hiểu về vấn đề của con trẻ, giúp phụ huynh vượt qua những cảm xúc âm tính để có sức khỏe tâm lý tốt, có nhiều năng lượng tích cực và động lực để hỗ trợ cho con mình trong suốt hành trình can thiệp cho con không chỉ trong 1-2 năm mà có thể lâu hơn. Tôi có tham gia các dự án của các tổ chức phi chính phủ, như Project Việt Nam của một bác sỹ Việt kiều Mỹ đã tài trợ, Dự án Impact, một chương trình hướng dẫn cha mẹ. Khi tham gia chương trình đó, tôi trở thành huấn luyện viên, hỗ trợ phụ huynh trở thành giáo viên dạy giao tiếp cho trẻ tự kỷ, chậm nói.

Chính vì vậy, tôi đã định hướng Trung tâm theo hướng “mở”, tức là luôn luôn có sự kết nối giữa phụ huynh và trung tâm, chuyên viên can thiệp. Phụ huynh có thể tham gia trực tiếp vào quá trình thăm khám, đánh giá cho con, xây dựng chương trình can thiệp và quá trình can thiệp cùng con,...

Tiết thực hành kỹ năng sống – vắt nước cam.

Tiết thực hành kỹ năng sống – vắt nước cam.

Nói thêm một chút là phụ huynh có còn rối loạn phát triển thường rất buồn, đó là cảm xúc âm tính, nếu cảm xúc này kèo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm lý của phụ huynh và con trẻ. Do đó, cần giúp phụ huynh cân bằng tâm lý, trở lại trạng thái bình thường. Nghĩa là phụ huynh phải được can thiệp về mặt tâm lý trước cả con mình. Sau đó, Trung tâm cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng, niềm tin và động lực để phụ huynh đồng hành cùng con. Chính vì vậy, trong luận án tiến sỹ tâm lý tôi đang thực hiện, là một nghiên cứu về ứng phó với cảm xúc âm tính cho cha mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ.

- Điều này nghe có vẻ lạ...

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Phụ huynh không hiểu vấn đề của con mình thì sẽ thường xuyên đặt ra những câu hỏi: Tại sao trẻ thích chơi một mình? Tại sao trẻ hiểu mà không nói được? Tại sao trẻ lại có những hành vi như vậy?... Và khi đưa con vào Trung tâm thì họ sẽ nghĩ rằng chắc chắn mọi vấn đề của con sẽ thay đổi hoàn toàn. Họ không hiểu rằng, có những đặc điểm của trẻ tự kỷ mà chúng ta cần chấp nhận, ví dụ như sự suy giảm giao tiếp, trẻ khó diễn đạt ý của mình, và trẻ đang phải đối mặt cả với vấn đề về rối loạn cảm giác nữa, những vấn đề đó phải giải quyết từ từ. Họ càng phải phối hợp chặt chẽ với Trung tâm, tránh việc phó mặc con mình cho các thầy cô. Nhiều trường hợp trẻ có nhiều khó khăn, phụ huynh thiếu kiên nhẫn chờ đợi hoặc khi trẻ chưa tiến bộ như kỳ vọng dẫn đến ngưng can thiệp, thay đổi địa điểm can thiệp. Việc chuyển đổi như vậy cũng làm mất đi thời gian và cơ hội của con. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc giúp cho phụ huynh hiểu vấn đề của con mình, giúp phụ huynh vượt qua trở ngại tâm lý, cân bằng và sẵn sàng đồng hành cùng con là nhiệm vụ đầu tiên, sau đó là sự phối hợp giữa phụ huynh và Trung tâm để can thiệp tốt cho trẻ.

Tập thể cán bộ, giáo viên đầy nhiệt huyết của Trung tâm An Bình.

Tập thể cán bộ, giáo viên đầy nhiệt huyết của Trung tâm An Bình.

- Ở Trung tâm có những dạng trẻ khuyết tật nào cần can thiệp sớm? Và, theo bà, làm việc với đối tượng trẻ nào là khó nhất?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Trung tâm hiện chủ yếu tập trung vào đối tượng trẻ em rối loạn phát triển, cụ thể là rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn âm lời nói, và trẻ bị hội chứng Down.

Mỗi đối tượng có đặc điểm riêng, khó để nói đối tượng nào là dễ hơn hay khó hơn. Mỗi trẻ đều có đặc điểm riêng và cần phương pháp can thiệp nhất định, tuy nhiên học sinh của Trung tâm chủ yếu là trẻ rối loạn phổ tự kỷ với hai khiếm khuyết cốt lõi như trên đã nói.

Giờ học can thiệp nhóm – Xô chú ý – rèn luyện khả năng chú ý cho trẻ.

Giờ học can thiệp nhóm – Xô chú ý – rèn luyện khả năng chú ý cho trẻ.

- Vậy, Trung tâm áp dụng phương pháp can thiệp nào để giúp các con nắm bắt kỹ năng sống, sớm hòa nhập cộng đồng?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Trong can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện có 28 phương pháp khác nhau, bao gồm các phương pháp có chứng cứ khoa học và các phương pháp đang được nghiên cứu hoặc các phương pháp chưa chưa được kiểm chứng. Trung tâm An Bình sử dụng các phương pháp có chứng cứ khoa học, cụ thể nhóm phương pháp can thiệp hành vi (phương pháp phân tích hành vi ứng dụng - ABA, Can thiệp hành vi nhận thức – CBT...; Nhóm phương pháp can thiệp các vấn đề về giao tiếp (dụng phương pháp ngôn ngữ trị liệu, phương pháp Teacch, AAC...; Nhóm phương pháp trị liệu cảm giác, hoạt động – ST hoặc OT...; để hỗ trợ các vấn đề khiếm khuyết của trẻ.

- Thưa bà, thời gian bao lâu để nhận thấy sự thay đổi đáng kể ở trẻ khi áp dụng những phương pháp này?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Tùy thuộc vào từng trẻ, rất khó xác định khoảng thời gian cụ thể vì phụ thuộc vào một số đặc điểm của trẻ, nhất là nội lực của trẻ. Nội lực được hiểu là những kỹ năng nền tảng về thể chất và tâm lý, ví dụ để dạy nói cho trẻ thì trước khi trẻ có thể sử dụng lời nói để giao tiếp thì trẻ cần có một số kỹ năng nền tảng như: Có chú ý hay không? Có bắt chước hay không? Có sử dụng các cử chỉ, điệu bộ như chỉ trỏ? Có tương tác qua lại trong trò chơi luân phiên hay không? Có biểu hiện chia sẻ cảm xúc đa dạng hay không? Đó là những kỹ năng nền tảng để sau này giúp trẻ có thể có lời nói chủ đích vì khi có nền tảng thì mới có ngôn ngữ hiểu và từ đó có ngôn ngữ diễn đạt.

Thông thường, để nhận thấy sự thay đổi của đứa trẻ thì chúng ta phải đánh giá khả năng ban đầu của trẻ, ví dụ với những em bị rối loạn cảm giác rất nhiều thì trẻ sẽ thu thập thông tin bên ngoài thông qua các giác quan (nhìn, nếm, ngửi, nghe, sờ) nhưng nếu giác quan có vấn đề thì khi thông tin đầu vào thu thập bị méo mó thì chắc chắn não bộ sẽ đưa ra phản ứng sai. Như vậy, đứa trẻ sẽ không thể phát triển tốt được. Với những trẻ đó chúng tôi áp dụng những phương pháp trị liệu cảm giác ST để can thiệp hỗ trợ về giác quan cho trẻ.

- Theo bà, sự phối hợp, đồng hành thường xuyên của phụ huynh tác động thế nào đến quá trình hòa nhập của trẻ đặc biệt?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Có thể nói rằng, điều đó chiếm 30-50% thành công, ngoài ra còn phụ thuộc rất nhiều vào nội lực và bản thân đứa trẻ nữa. Tức là từ ba phía: Trung tâm cung cấp phương pháp, chuyên viên can thiệp áp dụng phương pháp, chương trình chuẩn chuyên môn phù hợp với trẻ; Nội lực của đứa trẻ và cuối cùng là sự phồi hợp của phụ huynh. Ví dụ, trong tự kỷ có 3 mức độ: cần sự hỗ trợ, cần nhiều sự hỗ trợ và cần rất nhiều sự hỗ trợ. Trẻ em thuộc 2 mức độ sau thường có nhiều vấn đề, khó khăn và 1/3 số trẻ tự kỷ có khiếm khuyết về trí tuệ. Nếu gặp khó khăn về trí tuệ thì trẻ rất chậm có sự tiến bộ so với các bạn tự kỷ khác. Vì vậy, luôn cần có sự đồng hành hỗ trợ của phụ huynh để khi trẻ được can thiệp cùng chuyên viên sẽ được phụ huynh hỗ trợ khái quát hóa trong sinh hoạt.

Dạy trẻ kết hợp nhận thức và ngôn ngữ trong giờ mỹ thuật.

Dạy trẻ kết hợp nhận thức và ngôn ngữ trong giờ mỹ thuật.

- Làm công việc này bà có bao giờ nghĩ rằng nó vất vả không? Cảm giác của bà như thế nào khi làm việc với trẻ rối loạn đặc biệt?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Chia sẻ thật lòng là trong quá trình làm việc tôi đã nhiều lần đặt cho mình câu hỏi: Tại sao mình lại chọn một công việc vất vả, nhiều áp lực như thế này? Ở đây, áp lực không phải từ kiến thức chuyên môn mà còn có áp lực đối với sự tiến bộ của đứa trẻ. Vì đứa trẻ chỉ có một khoảng thời gian cho sự phát triển thôi. Nếu mình không thúc đẩy và trẻ không tiến bộ được thì rất uổng phí thời gian của các con, làm mất đi cơ hội phát triển của trẻ.

Thứ nữa là áp lực từ phía phụ huynh. Tức là nhiều phụ huynh không hiểu vấn đề và luôn yêu cầu, kỳ vọng cao hơn so với năng lực của con trẻ. Và họ thường đo lường sự tiến bộ bằng việc con phải nói ra thì mới là tiến bộ mà không hiểu rằng lời nói chỉ là công cụ, điều quan trọng là con biết giao tiếp thì mới dùng lời nói đúng chức năng được. Như vậy, có biết giao tiếp mắt, biết chú ý chung, biết dùng ngón tay để chỉ trỏ... hay con ổn định về giác quan đã là một tiến bộ lớn. Nhiều phụ huynh chưa hiểu rằng hành vi ăn vạ của con đã được cải thiện, trẻ đã chú ý đến cha mẹ hơn, đã biết chơi 2-3 món đồ chơi trong khi trước đây không biết làm những việc đó thì đó cũng là một sự tiến bộ đáng kể đối với những trẻ đặc biệt. Việc chưa hiểu về cách đo lường sự tiến bộ của con nên vô tình tạo ra áp lực cho các nhà can thiệp.

Với tôi, một nhà quản lý, thì còn có áp lực khác nữa. Đó là áp lực về việc chuyên viên can thiệp của mình bị áp lực. Tôi thấy rất thương các cô khi luôn tay chăm sóc, can thiệp cho trẻ trong mọi hoạt động, trong giờ ăn các cô vừa cho trẻ ăn cơm, đồng thời vừa ăn cùng trẻ để luôn theo sát mọi hoạt động của trẻ...

Tuy nhiên khi nhìn lại giá trị mà mình nhận được, tôi cảm thấy đã đạt được một số thành tựu trong công việc, trong đó lớn nhất là nó mang lại cho mình niềm vui, hạnh phúc đơn giản từ những tiến bộ nhỏ của trẻ hay từ những sự ghi nhận của phụ huynh, từ việc bản thân mình thay đổi về kiến thức chuyên môn, thay đổi về tính cách,... Ví dụ, trước đây tôi hay nóng vội nhưng bây giờ, sau khi trải qua rèn luyện thì trở nên đằm tính hơn (cười). Mong muốn lớn nhất của An Bình là đơn vị có chuyên môn bài bản để đồng hành cùng phụ huynh có con rối loạn phát triển, là một phần trong hành trình “An Bình – Chắp cánh ước mơ cho thiên thần lỡ nhịp”.

- Xin cảm ơn bà đã dành cho độc giả của Tình thương và Cuộc sống cuộc phỏng vấn này. Chúc bà và Trung tâm ngày càng phát triển, giúp được nhiều trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Nguyên Khải thực hiện.

(ảnh: Trung tâm UDKHTLGDANTL An Bình)

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất