Ngày 15/11, Sở Y tế tỉnh Bình Định báo cáo UBND tỉnh về tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và một số hoạt động hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý có một ca bệnh bị tử vong do cúm A/H1pdm.
Bệnh nhân bị khó thở, tức ngực
Theo đó, bệnh nhân tử vong được xác định là ông N.N.T (59 tuổi, ở xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ, Bình Định). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông T. khởi phát bệnh từ ngày 28.10, với triệu chứng sốt cao, ho, khạc đờm vàng, đau tức ngực, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, được người nhà đưa đến phòng khám tư xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc). Qua 6 ngày dùng thuốc bệnh không thuyên giảm, ngày 2.11 người nhà đưa ông T. vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để khám và nhập viện điều trị.
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, nơi bệnh nhân N.N.T điều trị. Ảnh: H.P
Sau đó, ông T. được nhập viện vào Khoa Nội tổng hợp, với các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, khạc đờm, tức ngực. Với các triệu chứng trên, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân T. bị nặng hơn, phải thở gắng sức, co kéo cơ hô hấp phụ, nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, tím môi, đầu chi, khó thở nhiều, thở gắng sức, viêm đông đặc vùng dưới 2 phổi…
Đến 1 giờ 30 ngày 7.11, bệnh nhân T. rơi vào hôn mê sâu, sốt cao liên tục, phổi thông khí kém, ran ẩm, ran nổ 2 phế trường; gia đình xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà vào tối cùng ngày.
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định đã lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân T. gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Kết quả xác định bệnh nhân T. dương tính với cúm A/H1pdm.
Xử lý môi trường bằng Chloramin B
Ngay sau khi nhận được thông báo ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế H.Phù Mỹ điều tra các ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Tiếp đó, điều tra các ca bệnh tại cộng đồng và lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Xử lý môi trường, vật dụng bằng Chloramin B tại nhà bệnh nhân, nơi bệnh nhân đến khám, điều trị, xét nghiệm... Đồng thời, theo dõi tình hình ca bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng, điều tra, báo cáo tình hình diễn biến ca bệnh và các hoạt động xử lý theo quy định.