Trẻ lạm dụng thức ăn nhanh nhiều đường, chất béo không tốt có thể gây béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết thông tin trên, giải thích thêm dùng nhiều thức ăn nhanh là nguyên nhân làm tăng cholesterol xấu và triglyceride trong máu do chứa nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, trẻ ăn thức ăn nhanh (pizza, xúc xích, gà rán...) thường xuyên khiến cơ thể tiếp nhận một lượng đường, carbohydrate lớn làm tăng đường huyết. Tình trạng này kéo dài dẫn đến đề kháng insulin.
Insulin là một loại hormone kiểm soát lượng đường trong máu và sự trao đổi chất của cơ thể. Insulin giúp đưa glucose từ thức ăn vào trong tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Khi thiếu insulin, glucose không thể vào tế bào, dẫn đến tăng mức đường huyết và gây ra các bệnh lý chuyển hóa.
"Lạm dụng những đồ ăn này trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2", bác sĩ Lộc nói, thêm rằng thức ăn nhanh có ít chất xơ, nhiều chất béo cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn đề về tiêu hóa.
Theo bác sĩ Lộc, trẻ thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn dẫn tới dư thừa dầu mỡ, đường, muối trong cơ thể. Các loại thực phẩm này chứa đường fructose - một loại phụ gia tạo ngọt được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ăn nhiều thực phẩm này trong thời gian dài gây thừa cân, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu. Trẻ bị béo phì khiến đề kháng insulin, từ đó làm giảm hoạt động chuyển hóa glucose, dẫn đến đái tháo đường.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các thành phố lớn. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo trẻ dưới hai tuổi không nên bổ sung đường trong bữa ăn. Trẻ từ hai tuổi trở lên nên ăn ít hơn 25 g đường mỗi ngày, tương đương với 6 thìa cà phê hoặc 100 calo mỗi ngày. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mỗi 100 g thức ăn nhanh chứa 4,9 g đường.
Bác sĩ Lộc lưu ý phụ huynh cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đến tuổi ăn dặm nên cho ăn đầy đủ nhóm chất và dinh dưỡng đa dạng từ thịt, trái cây, rau. Trẻ cứng cáp hơn có thể dùng thức ăn giống người lớn. Bố mẹ nên cho con ăn cơm cùng gia đình để tạo thói quen tốt, đồng thời tăng tính kết nối các thành viên. Trẻ ăn thêm các bữa phụ với trái cây, sữa chua hỗ trợ tiêu hóa.
Nếu trẻ bị đái tháo đường có thể ăn vặt nhưng cần lựa chọn thực phẩm phù hợp để giữ đường huyết ổn định, không tăng cân. Cần lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình (chỉ số GI dưới 70), chứa ít carbohydrate, calo. Ưu tiên chọn thức ăn giàu chất xơ như táo, bơ, cam, bắp, hạt óc chó, hạt chia, hạt điều, bánh gạo lứt không đường...
Không nên cho trẻ nhịn đói sau đó tiêu thụ một lượng lớn glucose trong một bữa ăn. Bé duy trì các bữa ăn chính, phụ với khẩu phần vừa phải. Trẻ cần vận động, chơi thể thao để kiểm soát cân nặng, tuân thủ khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ. Khi trẻ có các triệu chứng như sụt cân nhanh, tiểu nhiều, nước tiểu kiến bu, thở nhanh, rối loạn tri giác..., phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện khám.