Luật Căn cước sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014.
Từ ngày 1-7, Luật Căn cước có hiệu lực pháp luật với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý Hành chính về Trât tự xã hội Công an TP HCM, về một số điểm mới trong luật cũng như những vấn đề người dân đang quan tâm.
* Phóng viên: Thưa Thượng tá, lý do vì sao lực lượng Công an TP HCM tạm ngưng cấp căn cước từ ngày 25-6 đến ngày 30-6?
- Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải: Để chuẩn bị điều kiện tổ chức cấp căn cước cho công dân theo Luật Căn cước năm 2023, Công an TP HCM thông báo tạm ngưng việc cấp thẻ căn cước, định danh điện tử trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý Hành chính về Trât tự xã hội Công an TP HCM
Thời gian tạm ngưng cấp căn cước là từ ngày 25 đến 30-6 tại PC06; Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội công an các quận, huyện và TP Thủ Đức; bộ phận một cửa ở các quận, huyện và TP Thủ Đức. Từ ngày 1-7, việc cấp căn cước, định danh điện tử sẽ tiếp tục theo quy định.
*Đặc điểm của căn cước từ ngày 1-7 có điểm nào khác so với thẻ cũ, thưa ông?
Thẻ căn cước mới sẽ có 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tin lưu trữ trong chip điện tử được mã hóa bằng thuật toán do cơ quan quản lý căn cước tạo lập. Hai mặt của thẻ căn cước in hoa văn màu xanh chuyển ở giữa màu vàng đến xanh. Nền mặt trước gồm bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết truyền thống trang trí. Nền mặt sau gồm các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2023 gồm có 7 chương và 46 điều. Luật được ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014.
Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước (đối với thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên) được in màu trực tiếp trên thẻ căn cước.
Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân/Personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/Full name; ngày, tháng, năm sinh/Date of birth; giới tính/Sex; quốc tịch/Nationality...
Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên gồm các thông tin: Biểu tượng chip điện tử; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước; số định danh cá nhân/Personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/Full name; ngày, tháng, năm sinh/Date of birth; Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality.
Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú/Place of residence; nơi đăng ký khai sinh/Place of birth; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp/Date of issue; ngày, tháng, năm hết hạn/Date of expiry...
* Thông tin trên căn cước sẽ được mã hóa nhằm bảo mật cho người dân, cụ thể như thế nào thưa thượng tá?
Thẻ căn cước được sản xuất bằng chất liệu nhựa. Việc mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước được mã hóa theo tiêu chuẩn ICAO gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ngày, tháng, năm hết hạn; quê quán; thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt.
Thông tin lưu trữ trong chip điện tử được mã hóa bằng thuật toán do cơ quan quản lý căn cước tạo lập gồm: Tên gọi khác; nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; dân tộc; tôn giáo; nhóm máu; số chứng minh nhân dân 9 số; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; thông tin sinh trắc học về vân tay, mống mắt; thông tin nhận dạng.
Thông tin được mã hóa QR gồm: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ căn cước; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có); họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ (đối với thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi).
*Thưa thượng tá, căn cước làm trước ngày 1-7 còn giá trị sử dụng, người dân có cần phải làm lại hay không?
- Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước. Những thẻ đã được cấp vẫn có giá trị như trong thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ.
Công tác cấp thẻ bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử, tạo điều kiện cho người gốc Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận căn cước nhằm đảm bảo quyền công dân.
Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc). Công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước.
Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.
*Điểm mới trong Luật Căn cước năm 2023 sẽ có phần thu thập sinh trắc học, mống mắt, việc này sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Điều 15 Luật Căn cước về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước thì ngoài những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch còn có thông tin về nhân dạng, thông tin về sinh trắc học. Thông tin về sinh trắc học gồm có ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Trong luật Căn cước năm 2023 thì thông tin sinh trắc học có bổ sung 3 nội dung mới đó là mống mắt, ADN, giọng nói.
Dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh như (di động, app điện tử).
Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt (đảm bảo xác thực 2 yếu tố) sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị module về đọc, xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Việc thu thập thông tin sinh trắc giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu.
*Ngoài ra, những thông tin về quê quán, đặc điểm nhận dạng trên căn cước sẽ được bỏ, thông tin này chính xác không thưa thượng tá?
- Thông tin này hoàn toàn chính xác. Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ căn cước để bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" in trên thẻ căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
*Người dân cần điều chỉnh ngày sinh, quê quán và những thông tin sai trên căn cước thì đến đâu, thưa ông?
- Nếu có thắc mắc những vấn đề liên quan đến căn cước hoặc cần điều chỉnh thông tin, người dân có thể liên hệ Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (PC06 - Công an TP HCM, số 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1). Hoặc người dân có thể liên hệ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội công an các quận, huyện và TP Thủ Đức; bộ phận một cửa ở các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Cám ơn thượng tá.