Thuốc, thực phẩm chức năng và sữa là những mặt hàng thông dụng dường như không thể thiếu trong các gia đình. Dựa vào những nhu cầu thiết yếu này nhiều đối tượng đã lợi dụng để lừa đảo nhằm trục lợi từ người tiêu dùng.
Từ đầu tháng 4 đến nay, cơ quan chức năng liên tiếp triệt phá những đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô cực lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Nội… khiến nhiều người bàng hoàng.
Vì lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật
Thời gian qua tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả có diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả, mì chính giả, dầu ăn giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả… gây hoang mang dư luận. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu tập trung thanh, kiểm tra các mặt hàng trên.
Ngày 6/5, Bộ Y tế thông tin đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh những vụ việc hàng giả liên quan tới sức khỏe con người trong thời gian qua rất nghiêm trọng, đặc biệt các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ, người bệnh... là những đối tượng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
“Đây là vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh rất nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật và coi thường sức khỏe của nhân dân, bắt tay nhau thiết lập thành 1 đường dây để trục lợi. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm để làm bài học cho các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phân tích về vấn đề này, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết nguy cơ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng len lỏi vào hệ thống bệnh viện là hoàn toàn có thể. Do vậy, các bệnh viện phải siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh. Trước thực tế ngày càng nhiều vụ buôn bán thuốc, sữa và thực phẩm chức năng giả bị phát hiện với thủ đoạn tinh vi, bệnh viện đã chủ động rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và nhà thuốc nội viện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng thực phẩm chức năng không phải không có giá trị, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng có thể khiến người bệnh vừa gánh rủi ro, vừa tốn kém không cần thiết.
Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn, để xảy ra vụ việc như vậy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, do ý thức đạo đức của người tham gia kinh doanh, lợi dụng sức khỏe người dân để trục lợi, bên cạnh đó, nguồn lực tham gia giám sát còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ phối hợp bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương... cùng phối hợp triển khai.
Trục lợi với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng
Cùng nhìn lại những vụ việc hàng giả được lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy quy mô lớn và mức độ bao phủ diện rộng đáng kinh ngạc.
Vào đầu tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột và đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Song trên thực tế hoàn toàn không có những chất này. Đặc biệt khi đối tượng của các mặt hàng này được nhắm đến là trẻ em, người bệnh, phụ nữ mang thai.
Trong gần 600 nhãn sữa giả của Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là sản phẩm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như: Sữa Sure IQ Gludiabet, sữa Sure IQ sure gold, hay sản phẩm dinh dưỡng như Sữa Kid baby talacmum (cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi), IQ Grow Talacmum dành cho trẻ từ 1-15 tuổi, Gain Talacmum; thực phẩm bổ sung Talacmum for mum…
Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả. (Nguồn: Bộ Công an)
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Ngoài 2 công ty nói trên được lập ra để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của hai công ty nói trên.
Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng.
Khi người dân chưa kịp hết bàng hoàng vì sữa giả thì một vụ việc khác lại được phát hiện liên quan đến thuốc giả quy mô “khủng,” vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh với tổng khối lượng lên đến 10 tấn, thu lời bất chính khoảng gần 200 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục nghìn hộp thuốc giả, máy móc dây chuyền sản xuất cùng nhiều vật chứng khác. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức trong thời gian dài trên phạm vi toàn quốc.
Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, gồm: 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion; 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Sigapore); 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoái hóa tọa cốt đơn.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả qui mô lớn. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm: hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất như: dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán và hàng nghìn các sản phẩm hàng hóa là thuốc chữa bệnh khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Sau đó, ngày 26/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tiếp tục khởi tố thêm 1 vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô rất lớn khi số lượng thực phẩm chức năng thu giữ lên tới trên 100 tấn.
C03 xác định, cầm đầu đường dây là Nguyễn Năng Mạnh - Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA, trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và các đối tượng đã thành lập ra các doanh nghiệp từ năm 2015, gồm 6 công ty. Hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe được nhóm đối tượng sản xuất, tập trung vào người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai. Nguyên liệu được công ty này công bố nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu, nhưng trên thực tế, đa số nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp gồm: 1 công ty nhập khẩu nguyên liệu, 2 công ty sản xuất, 2 công ty phân phối và 1 công ty bao bì đã được các đối tượng lập ra nhằm hợp thức quy trình từ nhập khẩu đầu vào đến quá trình tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên phạm vi cả nước.
Chỉ tính riêng doanh thu của 1 công ty trong hệ thống 6 doanh nghiệp thuộc đường dây này từ năm 2021 đến nay đã lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Tiếp theo đó là vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Hirbitech sản xuất. Kết quả bước đầu đến nay, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã ban hành kết luận giám định xác định hai sản phẩm bảo vệ sức khỏe MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK là hàng giả.
Sản phẩm giả của Công ty Herbitech được xác định là giả.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, các đối tượng đã lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống để khai thuế, thể hiện số lượng sản xuất hàng hóa, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế. Hệ thống thứ hai để theo dõi chi tiêu nội bộ với đầy đủ số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, số tiền thu được và không kê khai thuế.
Theo đó, các đối tượng đã để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 121 tỷ đồng. Bước đầu xác định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế lẽ ra phải nộp hơn 10 tỷ đồng.
Những vụ việc trên được Bộ Công an, các cơ quan chức năng theo dõi trong quá trình dài và liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm./.