Thứ Năm, 28/11/2024 20:28 (GMT+7)

Chăm sóc sức khỏe học đường: Nền tảng bảo vệ thế hệ tương lai

(SKTE) - Công tác Y tế học đường ngày càng được chú trọng, trở thành “lá chắn” đầu tiên bảo vệ sức khỏe học sinh trong môi trường giáo dục, góp phần xây dựng nền tảng phát triển toàn diện.
Ảnh đại diện tin bài

Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong một tiết sinh hoạt về mụn học đường. Ảnh: L.N 

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và khắc phục.

 

Nhiều chuyển biến trong tuyên truyền

Thực tế, tại các cơ sở giáo dục, ngoài học tập, học sinh cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giúp các em phòng, chống bệnh tật hay gặp do môi trường học đường gây ra.

 

Thời gian qua, công tác tuyên truyền y tế học đường tại các cơ sở giáo dục được đẩy mạnh, phối kết hợp giữa các đơn vị y tế và trường học, đem lại nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền tại nhà trường được học sinh và phụ huynh hưởng ứng tích cực.

 

Ngô Hải Minh - học sinh lớp 10, Trường THPT Trưng Vương (Quận 1, TPHCM) và các bạn thường xuyên được tham gia các buổi ngoại khóa, nghe tuyên truyền các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc các chuyên đề an toàn giao thông. Từ những buổi sinh hoạt này, học sinh được bổ sung kiến thức để có thể tự chăm sóc sức khỏe cá nhân và hỗ trợ các bạn đồng trang lứa.

Chị Nguyễn Hải Yến (40 tuổi, mẹ của Hải Minh), đánh giá cao công tác tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục. “Tôi thấy các cháu học được rất nhiều từ các tiết chuyên đề mà trường lớp tổ chức. Qua các buổi ngoại khóa, học sinh có thêm kiến thức và kỹ năng ứng phó với những tình huống, yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe ở môi trường giáo dục”, chị Yến chia sẻ.

 

Liên quan đến tuyên truyền sức khỏe tại các cơ sở giáo dục, ThS.BS Nguyễn Duy Quân, khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM cho rằng, với tốc độ phát triển công nghệ 4.0, nếu học sinh không được tư vấn đúng cách sẽ dễ dẫn đến tự tìm hiểu và sa lầy vào các thông tin trên mạng khi chưa được chọn lọc.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) trong một tiết sinh hoạt chuyên đề. Ảnh: L.N 

 

Những tồn đọng cần xử lý và khắc phục

Có 12 năm đảm nhận vị trí nhân viên y tế của Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM), y sĩ Trần Thị Hiền khẳng định, sau đại dịch Covid-19, vị trí y tế học đường thể hiện rõ rệt hơn. Theo cô Hiền, thời gian gần đây, y tế học đường được đẩy mạnh qua công tác tuyên truyền sức khỏe, giáo dục giới tính, chuyên đề an toàn giao thông, chuyên đề chăm sóc sức khỏe vị thường niên.

 

Nhờ các chương trình, học sinh hiểu rõ, hiểu sâu hơn các vấn đề mình đang gặp phải và biết tìm hướng xử lý phù hợp. “Tuy nhiên, y tế học đường vẫn gặp một số khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực. Một nhân viên y tế đang phải phụ trách rất nhiều công việc như công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, cấp phát thuốc, bảo hiểm y tế và nhiều công việc khác…”, cô Hiền chia sẻ.

 

Đề cập tới những khó khăn, ông Đỗ Huy Khánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, nhận định: Hoạt động y tế học đường có những đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần, cho học sinh.

Đặc biệt, việc truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bệnh tật học đường cho học sinh (như cong vẹo cột sống, cận thị, bệnh răng miệng, giun sán, bệnh cúm, chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết) vô cùng cần thiết.

 

Vấn đề khám sức khỏe định kỳ để quản lý, theo dõi và tư vấn, phòng ngừa các nguy cơ sức khỏe cho học sinh hoặc thực hiện sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra các vấn đề về sức khỏe, tai nạn thương tích… rất cần coi trọng. Tuy nhiên, do các hạn chế về nguồn lực, bố trí nhân sự và cơ sở vật chất nên hiệu quả của hoạt động y tế chưa đạt được như mong muốn và nhu cầu thực tế.

 

Theo ông Khánh, vấn đề nhận thức về vai trò của y tế học đường ở một số nơi còn chưa đầy đủ, dẫn đến sự quan tâm chưa đúng mức. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân sự y tế chuyên nghiệp/nhân viên y tế trường học chuyên trách (do tinh giản biên chế, chi phí lương thưởng…).

 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngân sách đầu tư cho y tế trường học còn hạn chế. Quy định về trích nguồn bảo hiểm y tế học sinh để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong các trường học còn bất cập. Cụ thể, Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế gây nhiều khó khăn cho cơ sở giáo dục trong việc trích nguồn bảo hiểm y tế học sinh để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 

Cũng tại Điều 34 của Luật Bảo hiểm y tế, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học phải có chứng chỉ nghề trung cấp y khoa trở lên, nhưng thực tế việc tuyển dụng ở nhiều cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu này.

 

Để y tế học đường phát huy toàn diện, ông Khánh cho rằng, cần bảo đảm nhân sự thực hiện công tác y tế trường học, đạt chỉ tiêu 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học nhưng hiện nay nhân viên y tế trường học đang thiếu nhiều (trên 25% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang thiếu nhân viên y tế).

 

Cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; tăng cường đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế trường học.

 

“Nâng cao ý thức, tích cực xây dựng môi trường học tập an toàn, hỗ trợ sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh song song với đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục cùng các tổ chức xã hội là việc cần làm và phải làm. Có vậy việc triển khai các hoạt động y tế trường học và các chương trình hỗ trợ sức khỏe học sinh mới đạt hiệu quả kỳ vọng”, ông Khánh nhấn mạnh.

PV
Mùa nắng lại “nóng” chuyện ngộ độc thực phẩm
Mùa nắng lại “nóng” chuyện ngộ độc thực phẩm

(SKTE) - Liên tiếp các vụ nghi ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra tại TPHCM, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của hàng chục học sinh. Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với ý thức của người dân về an toàn thực phẩm (ATTP) chưa cao càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Kết quả Cuộc thi “Vì nụ cười trẻ em” tuần thứ Bảy
Kết quả Cuộc thi “Vì nụ cười trẻ em” tuần thứ Bảy

(SKTE) - Sáng 14/4, Ban Tổ chức Cuộc thi “Vì nụ cười trẻ em” đã mở kết quả cuộc thi Tuần thứ Bảy (Từ ngày 14/4/2025 đến ngày 21/4/2025). Hệ thống ghi nhận 4.933 người dự thi, với 62.759 lượt dự thi. Số người trả lời đúng là 4.928. Ban Tổ chức Cuộc thi chúc mừng bạn Hoàng Ngọc Quyền, đã xuất sắc đoạt giải Nhất tuần thứ Bảy.

Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử
Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử

(SKTE)- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự