Thứ Sáu, 01/11/2024 10:48 (GMT+7)
“CUỘC CHIẾN” ĐẨY LÙI TẢO HÔN

Kỳ cuối: Bước qua hủ tục, “đi về phía mặt trời”.

Trên hành trình trưởng thành của mỗi người, không ít những đứa trẻ chưa thành niên phải lựa chọn giữa lấy chồng, lấy vợ và con đường học tập để thực hiện ước mơ. Đối mặt với thách thức lớn đầu đời, nhiều em chọn bước qua “hàng rào đá”, bước qua hủ tục, “đi về phía mặt trời”.
Ảnh đại diện tin bài

Thành viên Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn Trường THCS Tân Bắc (Quang Bình) sinh hoạt về chủ đề kỹ năng phòng tránh kết hôn sớm.

Giống như những cô gái dân tộc Mông cùng trang lứa, Vàng Thị Dế, sinh năm 2002, xóm Nhèo Lủng, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) cũng bị ép lấy chồng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Dế quyết không nghe theo. Dế kể: “Tuổi học trò của em có 2 lần bố, mẹ bắt bỏ học lấy chồng, đó là khi học xong lớp 9 và khi đang học THPT. Mẹ bảo con gái học nhiều rồi cũng đi lấy chồng, làm việc cho nhà chồng. Bố, mẹ cấm đi học nhưng em không nghe, em tự vượt núi đến trường. Khi học cấp 3, em học ở Trường PTDT Nội trú tỉnh thì không lo chi phí, nhưng khi thi đỗ Đại học Văn hóa, phải xuống Hà Nội học mới là giai đoạn khó khăn nhất. Lần này bố, mẹ không cho đi, em trốn trên lán ở, thấy không xoay chuyển được ý chí của con, bố, mẹ đành xuôi theo, vay cho em 3 triệu đồng để nhập học. Gia đình khó khăn nên sau đó em làm thêm và bán các sản phẩm vải lanh truyền thống của dân tộc Mông trên các trang mạng xã hội nên có đủ tiền sinh hoạt, chi phí học tập. Giờ thấy con gái đi học trưởng thành hơn, được tham gia nhiều hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước giới thiệu về truyền thống văn hóa dân tộc Mông, kiếm được tiền, làm chủ kinh tế, được mọi người yêu mến nên bố, mẹ em tự hào lắm”.

Trước thực trạng tảo hôn diễn ra ở nhiều địa phương khiến các trẻ em gái phải bỏ học, mất cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm, năm 2020 tổ chức Good Neighbors International (GNI) triển khai dự án “Trẻ em không phải cô dâu” tại huyện Quang Bình với các hoạt động tập huấn, giáo dục giới tính, xây dựng cẩm nang “Con đường trưởng thành” cho trẻ, truyền thông cộng đồng nâng cao nhận thức của trẻ em và người dân về phòng, chống tảo hôn, nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình khỏi kết hôn sớm. Sau 4 năm thực hiện, dự án đã nhân rộng các mô hình tại 4 xã, thu hút trên 3.450 người tham gia. Các em học sinh trở thành những “chiến binh” tích cực phòng, chống tảo hôn tại địa phương. Có 74% trẻ vùng dự án có kiến thức, kỹ năng cơ bản để định hướng nghề nghiệp và tương lai. Em Phượng Hoài Ngọc, dân tộc Dao, thành viên Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn, Trường THCS Tân Bắc (Quang Bình) chia sẻ: “Tảo hôn là vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe, mình đang là học sinh, chưa thể đi làm kiếm tiền, cần phải tập trung việc học, trang bị kiến thức, kỹ năng sống, tránh xa văn hóa phẩm độc hại để phòng, tránh kết hôn sớm. Ở trường và ở nhà, em đều tuyên truyền, vận động các bạn, bố mẹ, người thân tránh xa tảo hôn. Các bạn nữ cần phải có chính kiến, quyết tâm không lấy chồng sớm, tảo hôn là con đường giết chết những ước mơ, khi có nguy cơ bị ép tảo hôn, cần báo cho thầy, cô giáo và chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời”.

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực vào cuộc; với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cấp hội đã thành lập 1.071 tổ truyền thông cộng đồng; duy trì và thành lập mới 394 “Địa chỉ tin cậy”; 146 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 118 trường học; mở 36 lớp tập huấn lồng ghép giới. Thông qua các hoạt động giúp nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi cho hội viên trong phòng, chống tảo hôn, để phụ nữ và trẻ em gái - những nạn nhân của tảo hôn - trở thành chủ thể, chủ động làm chủ cuộc sống của mình trong “cuộc chiến” khó khăn này.

Vàng Thị Dế giới thiệu cho du khách về nghề dệt vải lanh tại Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ chí Minh.

Tại huyện Vị Xuyên, phòng, chống tảo hôn, xóa bỏ hủ tục là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội. Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Phượng chia sẻ: “Nhờ những giải pháp đồng bộ, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, trong đó ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, huyện chú trọng tuyên truyền phòng, chống tảo hôn trong các trường học, giúp các em nâng cao nhận thức, có kỹ năng sống, thay đổi tư duy và hành động, phản đối quyết liệt khi bị rơi vào tình trạng bị ép tảo hôn”.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; các cấp, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận rõ những “rào cản” còn tồn tại, có nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực hơn để giảm thiểu tảo hôn, bởi những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa thật sự vững chắc, có thể tái diễn nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên. Để thống nhất nhận thức và hành động, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào DTTS, nhất là tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em. Triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án, dự án của T.Ư, tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phòng, chống tảo hôn; phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ, gắn đẩy lùi tảo hôn với xóa bỏ hủ tục; xây dựng hương ước, quy ước, quy định cụ thể, chi tiết về xóa bỏ tảo hôn; đầu tư phát triển KT - XH để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên vi phạm; biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiên tiến ở cơ sở.

Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là hủ tục kìm hãm sự phát triển, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, gây ra nhiều hệ lụy. Mỗi gia đình, cộng đồng cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, chung tay đẩy lùi tảo hôn, xây dựng cuộc sống văn minh, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được đến trường và phát triển toàn diện, để không còn những lời ru buồn trên miền đá.

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm hành vi tảo hôn, cưỡng ép kết hôn. Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

0
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu vào Bộ Chính trị
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu vào Bộ Chính trị

(SKTE) - Một trong các nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 họp xem xét vào chiều 23/1 là công tác cán bộ trong đó bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị và kiện toàn nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Chuyển hóa Nghị định 168 thành văn hóa giao thông
Chuyển hóa Nghị định 168 thành văn hóa giao thông

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (thay Nghị định 100) triển khai từ ngày 1/1/2025 với quy định chặt chẽ và mức hình thức phạt "rất nặng" đã từng bước tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ngày càng cao, tai nạn giao thông giảm mạnh.

Hội báo Xuân 2025 Điểm đến cho nhân dân và du khách dịp Tết
Hội báo Xuân 2025: Điểm đến cho nhân dân và du khách dịp Tết

Hội báo Xuân Quảng Ninh năm 2025 diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 21/2, tại Thư viện tỉnh, trở thành điểm đến cho nhân dân và du khách dịp Tết cổ truyền. Sự kiện do Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, trưng bày hơn 1.000 đầu sách, trên 300 ấn phẩm báo chí, tạp chí số Xuân của các cơ quan báo chí.

Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết
Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết?

Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều đồ ăn, thức uống… nhưng cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng khi có vấn đề về sức khỏe xảy ra trong kỳ nghỉ Tết.

Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay

Phát biểu nhậm chức Tân Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu từ ngày hôm nay. Đất nước chúng ta từ hôm nay sẽ lại thịnh vượng và được tôn trọng lần nữa trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ là niềm ghen tị của mọi quốc gia và sẽ không để mình bị lợi dụng nữa”.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam