Ngày 1/4, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức phát động Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” lần thứ nhất.
Học sinh thực sự trở thành trung tâm
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên đã luôn được ngành Giáo dục chú trọng, chỉ đạo triển khai thực hiện trong các nhà trường.
Thông qua lồng ghép giảng dạy chính khóa trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động ngoại khóa và nhiều các hình thức phù hợp khác, công tác tuyên truyền, giáo dục về an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong ngành giáo dục nói chung, công tác phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em nói riêng đang được phát huy hiệu quả tích cực.
Công tác phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em cũng là một trong những nội dung được ngành Giáo dục chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt trong những năm vừa qua theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
"Trường học không chỉ là nơi học tập kiến thức, mà còn là nơi hình thành nhân cách, giáo dục tinh thần và đạo đức cho thế hệ trẻ. Đây là môi trường để mỗi học sinh phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, an toàn trường học không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cơ sở vật chất, mà còn liên quan đến môi trường giáo dục không bạo lực, không áp lực và tôn trọng lẫn nhau", Vụ trưởng Trần Văn Đạt chia sẻ.
Với mong muốn, ở trường học, học sinh thực sự trở thành trung tâm, không chỉ ở những môn học trên lớp mà còn ở cả trong suy nghĩ, những sáng kiến từ thực tiễn, Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” là một trong nhiều giải pháp, hình thức đã và đang được triển khai tích cực, hiệu quả trong toàn ngành giáo dục.
Thông qua cuộc thi này, các em học sinh được thể hiện tài năng, sáng tạo và ý thức của mình trong việc xây dựng môi trường học tập tốt đẹp. Đồng thời, cũng là cơ hội để các em thể hiện suy nghĩ và quan điểm của mình trong những bức tranh, những bài viết sáng tạo. Từ đó, chúng ta có thể hiểu hơn về những mong muốn cũng như lo lắng của các em khi đến trường.
Các em học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội trong buổi lễ - Ảnh: VGP/PL
Thể lệ cuộc thi
Diễn ra từ ngày 1/3 đến ngày 30/6/2024, các em học sinh tham dự sẽ trải qua 4 vòng thi bao gồm cấp trường, cấp quận/huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc với cùng hai chủ đề là phòng ngừa bạo lực học đường và phòng ngừa lao động trẻ em.
Đối với học sinh cấp Tiểu học thực hiện bài thi vẽ tranh cổ động trên khổ giấy A3 không giới hạn về màu sắc, không giới hạn nguyên vật liệu.
Học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dự thi bài viết cá nhân với điều kiện bài viết chưa từng dự thi tại các cuộc thi khác, chưa được đăng báo, trang tin điện tử hoặc mạng xã hội.
Bài viết tham dự Cuộc thi được viết tay hoàn toàn và có độ dài tối đa không quá 1.200 từ. Mỗi học sinh được tham gia tối đa 1 bài dự thi.
Đối với mỗi vòng thi, Ban Tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba ở mỗi bậc học. Dự kiến lễ tổng kết, trao giải diễn ra trong tháng 6/2024.
Phương Liên