Nhìn lại năm 2024, chúng ta hết sức phấn khởi trước những thành tựu toàn diện của đất nước. “Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ[1]...
Những thành tựu quan trọng, toàn diện của đất nước đã tạo điều kiện để chúng ta có nguồn lực thực hiện tốt nhất chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt là chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, những trường hợp yếu thế, nhất là những trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3...
Năm 2024, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công. Trong năm qua, nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công người có công với cách mạng và thân nhân diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả trên cả nước. Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng quà nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 419 tỷ đồng.
Năm 2024, cũng là năm cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật. Trong năm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” và nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em 2024. Điểm nhấn rất đáng chú ý là công tác vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã gặt hái nhiều thành công. Trong năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 29,853 tỷ đồng; hỗ trợ 51.495 lượt trẻ em với kinh phí là 26,29 tỷ đồng[2].
Đặc biệt, cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội, năm 2024, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong vận động các nguồn lực chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật. Cao trào và điểm nhấn có tính đột phá là Hội đã vận động được trên 26 tỷ đồng giúp đỡ, chăm sóc trẻ khuyết tật thông các chương trình: “Tết sẻ chia - Xuân yêu thương”, “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ 9, hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật, người khuyết tật, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các Trung tâm, các gia đình có trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng do cơn bão Số 3 Yagi gây ra...
Trong dòng chảy cao trào của các hoạt động từ thiện, nhân văn đó, Tạp chí Sức khỏe trẻ em đã phát huy truyền thống của 22 năm qua, năm 2024 đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn hướng về trẻ khuyết tật. Trong đó, điểm nhấn lan tỏa yêu thương từ các chương trình “Trao gửi yêu thương, Trung thu ấm tình” và “Xuân yêu thương 2025’ đã góp sức sẻ chia, chạm đến những trái tim bé bỏng của các trẻ em khuyết tật.
Tuy vậy, trong điều kiện ngân sách hỗ trợ còn khó khăn, do đó, dù nỗ lực, cố gắng cao nhất của nhà nước đến mấy thì cũng khó có thể bù đắp đầy đủ những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật. Bởi vì, trong số gần 2 triệu trẻ khuyết tật[3], ngoài số được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh gia đình rất đáng thương. Trong đó, phần lớn các gia đình có trẻ bị tự kỷ, tàn tật nặng, bị câm, điếc, mù lòa, què quặt, thiểu năng não, liệt chân tay...là những gia đình nghèo túng, thu nhập thấp, lại phải chăm lo cả đời cho các con. Đáng lưu tâm là trong những hoàn cảnh đặc biệt đó, các gia đình có nhiều con bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam vốn đã nghèo túng, lại phải thường xuyên chữa trị cho các con lúc trái nắng, trờ trời, ốm đau liên miên. Chính vì vậy, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ khuyết tật luôn luôn chờ mong sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia, chung tay, chung sức của cả xã hội, nhất là các mạnh thường quân, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm.
Xuân Ất tỵ đang cận kề. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đang thực hiện hết sức mình để chăm lo Tết cho mọi người, mọi nhà.
Mùa xuân, mùa của các lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Đó cũng là mùa yêu thương để mỗi người Việt quan tâm, gửi gắm tình cảm, thăm hỏi, sẻ chia đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi, tàn tật.
Một mùa Xuân mới Ất Tỵ đang đến với mọi người, mọi nhà, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, trẻ mô côi, lang thang cơ nhỡ cũng đang chờ đón những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để được hòa nhập cộng đồng vui xuân đón Tết. “Tết là để sẻ chia, Xuân là để yêu thương”. Hy vọng rằng, dịp Tết Ất tỵ và mùa xuân mới sẽ đong đầy tình cảm yêu thương và sự chăm lo góp sức cả về vật chất và tinh thần của cả xã hội, của đồng bào cả nước và các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt....Hãy thắp sáng, nhân rộng những trái tim nhân hậu, những tấm lòng yêu thương trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của cộng đồng, xã hội. Mọi sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, các nhà hảo tâm xin vui lòng gửi về địa chỉ tiếp nhận của Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tận Việt Nam và Tạp chí Sức khỏe trẻ em./.
[1] Theo xếp hạng Quỹ di sản (Heritage Foundation).
[2] Báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (https://molisa.gov.vn/baiviet/242686)
[3] Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 28,3%, tương đương gần 2 triệu trẻ em