Chủ Nhật, 18/05/2025 08:33 (GMT+7)

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng phục vụ, chủ động và kiến tạo

(SKTE) - "Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng phục vụ, chủ động và kiến tạo", là thông điệp được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cùng với yêu cầu huy động toàn dân tham gia phát triển đất nước.
Ảnh đại diện tin bài

Chiều 17/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật pháp không phục vụ riêng cho nhóm nào

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển; đồng thời thể chế pháp luật cũng được xác định rõ là động lực nền tảng cho phát triển. Do đó, mấy kỳ họp gần đây, cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn.

Tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.

Theo Tổng bí thư, trước đây, việc xây dựng pháp luật chỉ nghĩ đến quản lý xã hội, quản lý trật tự, quản lý hành vi… còn cái gì không quản được thì cấm. Trong khi đó, yêu cầu rất cao về huy động sức dân, quy định có tính mở đường, khuyến khích, có tầm nhìn cho phát triển để kiến tạo thì ít được để ý. Chính vì vậy, một trong những luật được đặt vấn đề sửa đầu tiên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xử lý triệt để những chồng chéo, mâu thuẫn.

“Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5 

Trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp.

Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.

Cùng với đó thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, DN và toàn xã hội. Luật pháp không phục vụ riêng cho nhóm nào mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng.

Các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin – cho; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.

Phải huy động được toàn bộ sức của dân

Góp ý trực tiếp vào các luật tại Kỳ họp thứ 9, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội chủ yếu mới xem xét sửa một số điều để xử lý những vấn đề bức xúc, khó khăn, cản trở trên thực tiễn.

Như vấn đề quốc tịch, thì dòng máu Việt phải được tôn vinh, người có dòng máu Việt phải phải được xem xét có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp họ từ bỏ, không thực hiện nghĩa vụ công dân mang quốc tịch Việt Nam.

Các quy định làm sao huy động được sức mạnh, tôn vinh được người đóng góp cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả người nước ngoài. Người tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì cần tôn vinh, thừa nhận. Nhiều nước, như Hoa Kỳ rất thành công khi chọn lọc nhân tài trên các lĩnh vực, thậm chí cả người giàu có đóng góp cho nước họ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà nhiều năm có tiền không tiêu được hết. Như mục tiêu của đấu thầu là để hiệu quả nhất, tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhưng xét ra lại nhiều “tội”, vì gây chậm tiến độ, chất lượng kém, không tiết kiệm, thậm chí mất cán bộ.

Rồi hợp tác công – công cũng khó khăn. Cùng tiền Nhà nước mà hai bên không hợp tác được với nhau. Hay công – tư, muốn phát triển phải huy động sức toàn dân mà muốn đóng góp vào có khi cũng không được… Những “bệnh” này trên thực tế nhiều lắm, do đó, các quy định phải làm sao khắc phục được.

Với DN tư nhân, đôi khi đối xử chưa công bằng. Họ có vốn, sức lực, tâm huyết nhưng khi muốn tham gia lại bảo thế này thế kia, nói thuộc hệ sinh thái gì đó… Như thế không phát huy được. Trong khi đó chính họ tiêu thụ nguồn lực rất lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp, qua các quỹ, với số vốn vài chục nghìn tỷ đô la, còn FDI chỉ mới chỉ mấy chục tỷ đô la.

Nguồn lực vô cùng lớn nhưng chưa huy động, kêu gọi được thành ra gây nhiều bức xúc, nên phải nghiên cứu sửa ngay một số điều để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn; để giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hợp tác công, tư rành mạch.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thông tin, bên cạnh các nghị quyết rất quan trọng vừa qua như về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về phát triển kinh tế tư nhân;  thể chế pháp luật; hội nhập quốc tế thì sắp tới sẽ có thêm 2 nghị quyết rất quan trọng về giáo dục - đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực nhưng thực chất ngăn chặn được không? Hay là thông thầu, bán thầu hết rồi? Ông thầu rất to nhưng ra làm đường có thấy ông làm đâu, bán đến F9, F10 rồi. Đó có phải mục tiêu đấu thầu đâu! Tại sao không lên án, tố cáo, chỉ ra? Như mình làm nhà, chọn ông kiến trúc sư giỏi, ông xây dựng giỏi rồi hết bao tiền thì trả. Công trình nhà nước cũng phải như nhà mình. Còn không tin ông thì tôi quản lý ông bằng cách khác”, – Tổng Bí thư nói.

Liên quan quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư lưu ý phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội. Bởi, nguồn lực xã hội lớn lắm, làm sao để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng. Quy định phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi.

Một vấn đề nữa là việc tiếp cận tín dụng còn khó, “tín dụng đỏ” không phát triển thì “tín dụng đen” lại có cơ hội. Dân cần vốn mà tiếp cận ngân hàng lại khó khăn, thủ tục này kia thì nhiều người vay “tín dụng đen” cho nhanh, rồi sinh câu chuyện lãi cao, bóc lột. Do đó, hệ thống tín dụng phải thực sự huy động vốn của dân, phục vụ DN đưa vào sản xuất kinh doanh.

Tổng Bí thư cũng lưu ý hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân. Bởi tiền dân gửi là hợp pháp, còn tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, xét duyệt điều lệ, kiểm soát.

Hà Lam
Tổng Bí thư Tô Lâm Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển

(SKTE) - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo, nhấn mạnh: Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa đất nước phát triển. Tổng Bí thư đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc và các cơ quan có liên quan tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, biến các mục tiêu của Nghị quyết 57 thành các kết quả cụ thể và việc hoàn thành các nội dung này sẽ đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong năm 2025 và giai đoạn tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng các thầy thuốc, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng các thầy thuốc, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

(SKTE) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời tri ân và chúc toàn thể đội ngũ cán bộ thầy thuốc, nhân viên y tế nói chung và cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng, thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp cao cả của mình, đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, xứng đáng với sự tin yêu “Người thầy thuốc - Nhà khoa học” của nhân dân.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự