Thứ Bảy, 09/11/2024 17:16 (GMT+7)

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Luật Nhà giáo phải giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò

Sáng 9/11, phát biểu tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị dự thảo luật phải giải quyết mối quan hệ thầy – trò; xác định người thầy phải là nhà khoa học; đồng thời có các quy định giáo dục phục vụ hội nhập quốc tế và chính sách học tập suốt đời...
Ảnh đại diện tin bài

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo

Dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, gồm 09 chương, 50 điều, cụ thể hóa 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo, Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Luật Nhà giáo phải giải quyết mối tương quan thầy – trò

Phát biểu tại Tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt một số chủ trương, chính sách cần triển khai trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội. Nhấn mạnh vị trí của công tác giáo dục, đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc đầu tiên khi nhắc đến đào tạo là nhắc đến vai trò của người thầy.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Luật Nhà giáo phải giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Luật Nhà giáo phải giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò

“Với định hướng của Đảng, chúng ta cần quán triệt rất sâu sắc vị trí của người thầy, do đó xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò. Tổng Bí thư cho biết, chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục theo từng cấp học, trẻ em đến tuổi được đi học phải được đến trường, tiến tới phổ cập trung học. Không thể có học trò mà không có thầy, vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị cần quy định rõ trong luật nội dung này. Cùng với đó, cần phải có phương án để biết rõ trong xã, trong huyện, trong khu phố, trong phường, trong thành phố năm nay sẽ có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học, như vậy, sẽ chủ động bố trí đủ thầy cô.

“Khi có thầy, có trò, phải có trường, không thể quy hoạch hoặc quản lý mà không có trường được, nếu vậy chính sách phổ cập giáo dục các cháu đến tuổi đi học không được thực hiện. Đây là vấn đề rất thời sự… Mối tương quan thầy – trò phải được giải quyết”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Giáo dục phục vụ hội nhập quốc tế

Nhấn mạnh yêu cầu hội nhập của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề giáo dục và đào tạo hội nhập như thế nào, người thầy chủ động hội nhập ra sao. Chúng ta đã có chủ trương phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, điều này cần được thể hiện như thế nào trong dự thảo luật; Cần quy định như thế nào trong trường hợp giáo viên người nước ngoài giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam; địa vị pháp lý của những giáo viên nước ngoài như thế nào, có chấp hành các quy định của Luật Nhà giáo hay không?

Đại biểu tham dự thảo luận tổ

Đại biểu tham dự thảo luận tổ

“Muốn hội nhập được thì phải có cán bộ, đào tạo phục vụ cho hội nhập quốc tế đầu tiên phải là người thầy, cần phải có chính sách cụ thể để thực hiện chính sách của Nhà nước. Bây giờ nếu thầy không có tiếng Anh, làm sao có trò nói tiếng Anh. Thầy dạy Toán cũng phải có tiếng Anh, chứ không phải chỉ có thầy ngoại ngữ. Tiếp cận hội nhập phải như thế”.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, cần coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để hội nhập, do đó cần nghiên cứu, tính toán và các chính sách phải được thể hiện các yêu cầu cụ thể trong luật.

Cần xác định người thầy là nhà khoa học

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học. Cần làm rõ mối quan hệ giữa nhà khoa học, thầy giáo như thế nào; không có luật về nhà khoa học, do vậy cần được thể hiện, khái quát trong Luật Nhà giáo về mối quan hệ kết hợp giữa nhà khoa học với giữa trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp, với Nhà nước.

“Đòi hỏi về nhà khoa học đối với người thầy là rất lớn, người thầy không thể tự đứng lại được, bởi khoa học và tri thức không dừng lại. Do đó, người thầy phải là nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý, chính sách học tập suốt đời cũng cần được quy định trong dự thảo luật, không thể quy định thô cứng theo kiểu giáo sư đến tuổi nghỉ hưu không còn là nhà giáo, không tham gia giảng dạy nữa. Như vậy sẽ không huy động được nguồn lực, mà cần khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy, nhất là tại một số môi trường rất đặc biệt như trong trại giam hay giáo viên công tác tại miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tại khu vực miền núi cũng cần được coi là đặc biệt, vì thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường. Do đó cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát, khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường đặc biệt này. Ở vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng là vùng trũng về giáo dục đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Khẳng định, đội ngũ thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật.

0
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay

Phát biểu nhậm chức Tân Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu từ ngày hôm nay. Đất nước chúng ta từ hôm nay sẽ lại thịnh vượng và được tôn trọng lần nữa trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ là niềm ghen tị của mọi quốc gia và sẽ không để mình bị lợi dụng nữa”.

Tưng bừng hội chợ “Tết Đong Đầy” của Trung tâm Ước Mơ Xanh
Tưng bừng hội chợ “Tết Đong Đầy” của Trung tâm Ước Mơ Xanh

(SKTE) - “Tết Đong Đầy” là chủ đề hội chợ quê năm thứ hai liên tiếp do Trung tâm Tư vấn và Giáo dục trẻ chậm phát triển Ước Mơ Xanh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tổ chức ngày 10/1/2025 vừa qua nhằm bồi đắp vốn hiểu biết văn hóa Việt cho trẻ, giúp cho trẻ mở rộng vốn hiểu về thế giới xung quanh, tăng cường kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống.

Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng
Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản toàn quân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, với sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam