(SKTE) - Tiểu đường là căn bệnh phức tạp, có khả năng gây ra hàng loạt biến chứng do lượng đường trong máu cao và không được kiểm soát. Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất là loét bàn chân do tiểu đường.
Loét bàn chân do tiểu đường là các vết loét hoặc vết thương hở xuất hiện ở bàn chân. Nguyên nhân chủ yếu là vì tổn thương dây thần kinh hoặc lưu thông máu kém do bệnh tiểu đường gây ra, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Lưu thông máu kém và tổn thương thần kinh là những nguyên nhân thường gặp gây loét bàn chân ở người tiểu đường (ảnh: Pexels).
Bệnh thường bắt đầu khi mô da ở bàn chân bị rách, làm lộ mô ở dưới da. Tình trạng này thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực trên bàn chân, chẳng hạn như ngón chân cái hay gót chân. Các triệu chứng của loét bàn chân do tiểu đường gồm sưng, xuất hiện bóng nước, chảy dịch, thậm chí chuyển sang màu đen do hoại tử.
Không phải bất kỳ ai bị tiểu đường cũng bị loét bàn chân. Ngoài tiểu đường, những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành vết loét là mang giày dép không vừa, vệ sinh chân kém, có vấn đề về móng, béo phì và hút thuốc.
Cụ thể, mang dép quá rộng hay quá chật sẽ làm tăng áp lực và ma sát lên da bàn chân, khiến da chân dễ bị rách và hình thành vết loét. Không rửa chân thường xuyên, rửa xong không lau khô đúng cách sẽ khiến da dễ bị tổn thương dẫn đến rách da.
Ngoài ra, việc cắt móng chân không đúng cách sẽ khiến da chân chịu tổn thương. Các tổn thương này dù rất nhỏ nhưng vẫn có thể phát triển thành vết loét.
Cuối cùng, hút thuốc và béo phì đều là những yếu tố ảnh hưởng đến lưu thông máu. Máu sẽ chảy ít hơn đến chân, làm chậm quá trình lành vết rách ở chân và làm tăng nguy cơ loét.
Để ngăn ngừa và điều trị loét bàn chân, trước hết bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát đường huyết bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục và uống thuốc theo chỉ định bác sĩ nếu cần. Ngoài ra, họ cần chọn loại giày, dép phù hợp, thậm chí sử dụng miếng lót để giảm ma sát cho bàn chân.
Người bệnh cũng không nên đứng lâu hay đi nhiều. Việc tạo áp lực lên bàn chân có thể dễ gây loét hoặc khiến vết loét khó lành. Với những vết loét đã nhiễm trùng, người bệnh cần đến bệnh viện để loại bỏ mô chết, băng bó và được kê kháng sinh, theo Medical News Today (Anh).
Ngọc Quý