Ngày 2/8/2024, tại Hà Nội, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (VINARAHC ) đã tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật, gia đình người khuyết tật về chăm sóc sức khỏe trẻ em, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai đối với người khuyết tật”.
Trong bài trình bày của mình, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản đề cập đến 3 vấn đề quan trọng: 1. NKT và chính sách đối với NKT; 2. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đối với NKT; 3. Giải pháp giảm thiểu và khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai đối với NKT. Diễn giả đã làm rõ khái niệm NKT là gì và các dạng khuyết tật để phân biệt rõ ràng với người bệnh và bệnh tật, cũng như chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong việc xác định dạng, mức độ và cấp chứng nhận khuyết tật cho NKT. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để giảm thiểu và khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai đối với NKT, ông Toản cho rằng, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội phải: Thực hiện tốt công tác truyền thông phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai; Hỗ trợ NKT tiếp cận chính sách và dịch vụ trợ giúp; Xây dựng và thực hiện mô hình hỗ trợ; Vận động và kết nối các nguồn lực xã hội.
“Các nguồn lực từ chính sách và dịch vụ trợ giúp NKT thì rất nhiều, chúng ta cần khai thác triệt để các nguồn lực này. Vấn đề là phải làm tốt công tác tổ chức tuyên truyền để đưa được các chính sách đến với người dân. Nếu chúng ta huy động được nguồn lực này thì về cơ bản coi như đã thành công. Ví dụ như việc nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở các trung tâm theo đúng đối tượng được ngân sách nhà nước cấp, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư. Nhưng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện để được hưởng trợ cấp miễn phí cả trong giáo dục và y tế” – ông Toản nhấn mạnh.
Về các quy định, quyền lợi về chăm sóc sức khỏe cho NKT, ông Lê Hùng Phương làm rõ mức độ ưu tiên bảo hiểm y tế cho trẻ khuyết tật, mức hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho trẻ khuyết tật: “Khám chữa bệnh đúng tuyến, được hỗ trợ 80-100% tùy đối tượng và dịch vụ khám chữa bệnh. Tuyến xã, huyện và tỉnh được hỗ trợ 100% chi phí, tuyến trung ương được hỗ trợ 40%”. Ngoài các quy trình, khám sàng lọc, kiểm tra, đánh giá và các quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, dịch vụ thăm khám và tư vấn, ông Phương còn đi sâu vào các quy định, quyền lợi phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, lập hồ sơ đăng ký phục hồi chức năng, quy trình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Nội dung tập huấn được các đại biểu tham dự đánh giá là rất cần thiết trong việc nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật. Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng, giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành, cho biết: “Nội dung tập huấn giúp tôi có thêm kiến thức để tư vấn cho cha mẹ trẻ khuyết tật trong việc làm hồ sơ xác định mức độ khuyết tật để được hưởng quyền lợi hỗ trợ và trợ cấp. Đây là vấn đề mà nhiều cán bộ cấp xã còn chưa nắm rõ hoặc gây khó khăn cho người dân. Nhiều trường hợp, chúng tôi phải thông qua các mối quan hệ ở cấp huyện để chỉ đạo xuống thì cán bộ xã mới làm”.
Nhân dịp này, các đại biểu cũng đề đạt ý kiến với đại diện của Cục Bảo trợ xã hội về các vấn đề liên quan đến công tác cứu trợ NKT. “Rất mong Cục Bảo trợ xã hội tham mưu cho Bộ trong việc chỉ đạo các Sở Lao động-thương binh và xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho trong việc cấp giấy phép hoạt động cho các trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật” - ông Đào Vũ Thiết đề xuất. “Rất mong Cục Bảo trợ xã hội tham mưu cho Bộ Lao động-thương binh và xã hội có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật. Nếu không có những người làm công tác này thì sẽ có rất nhiều trẻ khuyết tật trở thành gánh nặng cho xã hội, trong khi đó cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu vùng xa. Tất cả là để cho cuộc sống của các cháu được tốt hơn” – bà Nguyễn Thị Tú, giám đốc TT Hỗ trợ trẻ khuyết tật Tp. Nam Định và bà Phạm Thị Liên, giám đốc TT Hỗ trợ hòa nhập trẻ em khuyết tật tỉnh Thái Nguyên, đề nghị.
Bài và ảnh: Nguyên Khải