Vấn đề quan tâm

"Cho trẻ khuyết tật con cá không bằng cho cần câu và dạy cách câu cá"

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng:

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng: "Chúng tôi quan niệm: cho trẻ khuyết tật con cá không bằng cho cái cần câu và dạy cách câu cá..."

- Xin Chủ tịch cho biết, Hội CTTEKTHN có khó khăn gì khi hoạt động trên địa bàn địa bàn rộng lớn như Tp. Hà Nội?

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng: Khi thành lập, Hội CTTEKTHN là một trong những tổ chức hội được Thành ủy và UBND Tp. Hà Nội giao một số nhiệm vụ được cụ thể hóa trong kế hoạch hàng năm của Hội xây dựng và trình lên.

Chúng tôi có thuận lợi là hàng năm được Thành ủy và UBND thành phố giao cho nguồn ngân sách nhất định để trang trải các hoạt động, như thuê trụ sở, thực hiện công tác huấn luyện, tổ chức các hội nghị. Đây là điều hết sức thuận lợi so với các hội khác.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là ở chỗ địa bàn hoạt động thì rất rộng nhưng phần lớn trẻ khuyết tật tập trung ở các địa phương cách xa thủ đô và lại rơi vào các huyện nghèo, ví dụ như huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa mà ta thường gọi là vùng trũng của Thủ đô. Hơn nữa, đa phần các cháu này lại rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chính sách của thành phố là trích ra một nguồn kinh phí để hàng tháng hỗ trợ cho các cháu nhưng về mặt giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa cho các cháu ở vùng sâu vùng xa này chưa thực sự được quan tâm tốt. Mặc khác, không phải tất cả mà chỉ có một số quận, huyện có trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật nên công tác giáo dục, chăm lo đối với các cháu cũng còn hết sức hạn chế.

Khó khăn khác là Hội CTTEKTHN lại không có chi hội ở các địa phương, mà chỉ hoạt động ở cấp thành phố và thông qua mạng lưới các trường, đặc biệt là phối hợp với Phòng Lao động thương binh-xã hội của các quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ này trên toàn thành phố. Do vậy, công tác tuyên truyền về pháp luật, chính sách, văn hóa, giáo dục thể chất cho trẻ em khuyết tật vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho các cháu.

- Thưa ông, Hội CTTEKTHN có định hướng giải quyết những vướng mắc này như thế nào trong thời gian tới?

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng: Thứ nhất, sau khi kết thúc Đại hội nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi ngay lập tức yêu cầu các quận, huyện thống kê đầy đủ số lượng trẻ khuyết tật trên toàn địa bàn thành phố. Từ đó, chúng tôi biết được, phân loại ra các dạng khuyết tật của trẻ để có điều kiện chăm sóc và giáo dục phù hợp. Vừa qua, chúng tôi thống kê được trên toàn thành phố có 12.038 trẻ khuyết tật từ 0-16 tuổi ở 30 quận, huyện.

Thứ hai, chúng tôi đã làm việc với một số sở, ban, ngành như Sở Lao động thương binh-xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục đào tạo để làm sao đảm bảo các quyền lợi cũng như đạt mục tiêu toàn xã hội chăm sóc cho trẻ em khuyết tật. Ví dụ, để đảm bảo an toàn về người cho các cháu, chúng tôi có công văn nhắc nhở đến các trường, trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ khuyết tật là phải đảm bảo từ việc ăn uống, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cho các cháu thuộc diện trẻ khuyết tật của thành phố.

Đối với trẻ em khuyết tật về trí tuệ, chúng tôi định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền để các bậc phụ huynh, các gia đình cũng như các trường, các trung tâm quan tâm để không xảy ra bất kỳ trường hợp bạo hành nào.

- Xin Chủ tịch cho biết, Hội CTTEKTHN đã có tham mưu gì cho cơ quan quản lý trong việc ban hành các chính sách liên quan đến trẻ em khuyết tật của thành phố?

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng: Hội CTTEKTHN là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hà Nội, cho nên những chính sách xã hội, những quyết sách của thành phố được lấy ý kiến từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thì chúng tôi đều được tham gia góp ý và truyền tải những nội dung đó thông qua các đại diện của mình trực tiếp đến UBND thành phố. Ngoài ra, Hội có thể bằng các hình thức như gửi các văn bản yêu cầu các cơ quan nhưng việc gửi văn bản trực tiếp thì chúng tôi chưa bao giờ phải thực hiện.

- Thưa Chủ tịch, trong thời gian tới Hội sẽ có những định hướng hoạt động nào vì trẻ em khuyết tật thành phố.

Chủ tịch Nguyễn Kim Hoàng: Trước mắt cũng như lâu dài, Hội vẫn tiếp tục thực hiện nề nếp hoạt động của các nhiệm kỳ trước mà đến nay đã được thực hiện trong gần 25 năm qua. Đó là: vận động các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm chăm lo đến đối tượng này. Thứ hai, là chúng tôi cũng sẽ chủ động đề xuất với Sở Lao động thương binh-xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục đào tạo những việc liên quan đến các cơ sở, nơi mà có các cháu khuyết tật, mồ côi tham gia hoạt động học tập, phối hợp với Phòng Thương binh-xã hội các địa phương để tặng quà cho trẻ em khuyết tật vào các dịp lễ, Tết, Trung thu, ngày 1/6. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo cho trẻ khuyết tật, chúng tôi vẫn thường xuyên làm việc để phối hợp thực hiện những chức năng chuyên biệt riêng của từng cơ sở.

Về lâu dài, Hội tập trung định hướng vào 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, về mặt y tế, Hội tập trung vào hoạt động thăm khám, chăm sóc sức khỏe và bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu. Thứ hai là dành nhiều nguồn lực cho việc giáo dục, học tập, vui chơi thể chất cho các cháu. Thứ ba, là định hướng giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề cho các cháu khi trưởng thành để tạo công ăn việc làm, trở thành người có ích cho xã hội như Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói: “Để không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Chúng tôi quan niệm: cho trẻ khuyết tật con cá không bằng cho cái cần câu và dạy cách câu cá. Đối với trẻ khuyết tật, giúp được một cháu sống tự lập được cũng là rất quý. Trong nhà chúng ta có trẻ tàn tật chẳng hạn, nếu nó hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bằng sức lao động của mình – “Đấy, con tôi cũng bình thường như bao người khác!” – đó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với bậc làm cha làm mẹ. Chính vì vậy, chúng tôi hết sức ưu tiên việc giáo dục dạy nghề cho trẻ khuyết tật.

Ngoài ra còn nhiệm vụ nữa là chăm lo về mặt pháp lý cho trẻ em. Đó là việc đảm bảo trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh, được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ theo pháp luật. Nhiều trẻ sinh ra không có giấy khai sinh, bị bố mẹ bỏ rơi. Những đứa trẻ như thế rất khó hòa nhập cộng đồng.

- Xin cảm ơn Chủ tịch và chúc Hội CTTEKTHN đạt những kết quả tốt đẹp trong công tác chăm sóc trẻ em khuyết tật Tp. Hà Nội.

Nguyên Khải thực hiện.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất