Sức khỏe

Bàng hoàng chứng kiến trẻ 3 tuổi đột quỵ, dấu hiệu phát hiện sớm để can thiệp kịp thời

Bàng hoàng chứng kiến con trẻ ra đi vì đột quỵ

Mới đây, chia sẻ của bà mẹ trẻ trên mạng xã hội facebook về sự ra đi đột ngột của cậu con trai 3 tuổi vốn khỏe mạnh, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Không ít người ngỡ ngàng khi vẫn nghĩ "người lớn, người già mới bị đột quỵ".

Bàng hoàng chứng kiến trẻ 3 tuổi đột quỵ, dấu hiệu phát hiện sớm để can thiệp kịp thời- Ảnh 1.
 

Đột quỵ có thể xảy đến với trẻ nhỏ, nguyên nhân thường gặp do dị dạng mạch máu não hoặc bệnh lý tim mạch (ảnh minh họa).

"Không thể ngờ 1 đứa bé 3 tuổi khỏe mạnh nhanh nhẹn lại có thể ra đi vì đột quỵ. Mẹ mang nặng đẻ đau con ấy vậy mà ông trời cướp con đi chỉ trong vòng 3 giây. Chẳng ai có thể đau bằng mẹ vì chính mắt mẹ thấy con ra đi lúc 12h đêm hôm ấy. Tất cả là tại mẹ chủ quan, trưa cô giáo nói Tôm ngủ dậy có ị đùn ra quần…, trong khi mỗi khi con đi ngoài con đều tự giác. Mẹ không ngờ, đó là triệu chứng đầu tiên của đột quỵ.

Tối về con vẫn chơi, ăn khỏe và chủ động đi vệ sinh bình thường nhưng con ít nói hơn mọi hôm 1 chút . Con hôm ấy ngoan lạ thường, không đòi không quấy mẹ. Nằm trong vòng tay mẹ ngủ được 30p thì con bắt đầu chồm dậy nói " đi đớ đi đớ đi đớ" ... Nhưng mẹ nào đâu biết đấy là biểu hiện thứ 2 của đột quỵ (lưỡi bị cứng khó phát âm).

Sau khi con nói mớ khoảng 30 phút, thì con quay vào trong ngủ rồi đột nhiên quay ra mẹ nằm úp người xuống, cổ cong lên, tay cong lên, con nấc 2 tiếng, mặt tái nhợt, môi tím ngắt và con đi mãi mãi. Mặc dù mẹ đã vội vàng đưa con đi trạm xá sơ cứu".

"Mẹ đau nhưng mẹ vẫn phải viết vì mẹ không muốn thêm 1 em bé nào phải ra đi đau lòng như con. Mẹ muốn cho tất cả người mẹ trên thế giới biết rằng đột quỵ lứa tuổi nào cũng có thể xảy ra. Mặc dù mẹ hiểu kiến thức về đột quỵ nhưng mẹ lại không nghĩ rằng bé như con lại có thể bị", người mẹ viết.

Nguyên nhân nào gây đột quỵ ở trẻ nhỏ?

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: Nghe tới đột quỵ người ta thường nghĩ đó là bệnh của người lớn. Nhưng trên thực tế, vẫn có một tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này, dù không nhiều. Nhiều trẻ bị đột quỵ được cứu sống kịp thời, nhiều trẻ để lại di chứng và nhiều trẻ đã không thể cứu chữa được do đến bệnh viện quá muộn.

"Nếu như đột quỵ ở người lớn liên quan đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường và lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động…); thì đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não…", BS Minh Đức cho biết.

BS Đức lưu ý, dấu hiệu của đột quỵ trẻ em sắp xảy ra là trẻ đột ngột than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo nôn ói. Sau nôn trẻ có thể giảm đau đầu, co giật mất ý thức, miệng méo lệch sang bên khi trẻ ăn, uống. Trẻ cầm nắm cũng không được như bình thường, đi lê chân một bên hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, dễ bị tím tái khi gắng sức. Nếu trẻ có những triệu chứng trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám cẩn thận. Phát hiện trễ thì khả năng tử vong rất cao hoặc sau điều trị sẽ để lại di chứng nặng nề cho trẻ như liệt nửa người không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân được.

Theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại nặng nề.

Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai, là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề.

 
 

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất