Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ cũng xảy ra ở cả trẻ em. Hiện nay, tỉ lệ người trẻ mắc bệnh chiếm khoảng 10% các ca đột quỵ và con số này đang ngày một tăng lên
Đột quỵ đến bất ngờ
Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ cũng xảy ra ở cả trẻ em. Hiện nay, tỉ lệ người trẻ mắc bệnh chiếm khoảng 10% các ca đột quỵ và con số này đang ngày một tăng lên.PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Trung tâm từng điều trị nhiều bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, trong đó có cả trẻ em dưới 15 tuổi. Như trường hợp bệnh nhi 9 tuổi khi đang đi học, bé đột ngột yếu tê bì nửa người bên trái, được đưa vào viện tỉnh cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính chưa phát hiện tổn thương nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não.Một trường hợp khác, bé gái 12 tuổi ở tỉnh Phú Thọ được đưa đến viện muộn, sau 12 tiếng vì triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhi đột ngột nhìn mờ, được đưa vào Trung tâm, chẩn đoán phình thông động tĩnh mạch.Theo PGS Tôn, trong số bệnh nhân đột quỵ nhập viện, khoảng 10% là người trẻ (dưới 45 tuổi), do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Ở nhóm bệnh nhân này, hầu hết người trẻ chủ quan không nghĩ đến đột quỵ mà nghĩ đến bệnh lý khác, nên dễ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh.Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E vừa tiếp nhận và cấp cứu kịp thời cho người bệnh nam (48 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do tai nạn giao thông nhưng đến khi cấp cứu các bác sĩ mới bất ngờ phát hiện người bệnh bị đột quỵ não nguy hiểm. Tìm hiểu nguyên nhân tai nạn giao thông của người bệnh, các bác sĩ cho biết, do lúc đó, người bệnh khởi phát cơn đột quỵ đột ngột, khiến người bệnh rơi vào trạng thái nguy hiểm, không kiểm soát được cơ thể…
Không bỏ qua dấu hiệu của đột quỵ sớm
Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Để điều trị đột quỵ nhồi máu não cần phải phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên những hiểu biết về bệnh lý này còn hạn chế, nên dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, làm chậm trễ quá trình điều trị” - bác sĩ Tôn cho hay.
Phòng ngừa đột quỵ đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Khuyến cáo chung về thời gian vàng trong bệnh đột quỵ là 6 giờ. Do vậy, nên phải xử trí tình trạng đột quỵ cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Một số sai lầm thường gặp khi bị đột quỵ não như cạo gió khi bị đột quỵ; Châm kim vào đầu tay; Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y; Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện; Truyền bá tư tưởng sai về điều trị đột quỵ; Nhầm lẫn so với bệnh khác.
Để phòng ngừa đột quỵ, theo bác sĩ Tôn, điều quan trọng hơn hết chính là duy trì lối sống khoa học; không sử dụng các chất kích thích; thường xuyên tập thể dục thể thao; khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường…