(SKTE) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp ý kiến từ 16 cơ quan, bộ ngành để chuẩn bị trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày.
Nếu phương án này được thông qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ từ 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ (từ thứ bảy ngày 25/1 đến hết chủ nhật 2/2/2025).
Phương án này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giúp kỳ nghỉ lễ liên tục, kéo dài; người lao động có thời gian tái tạo sức khỏe, kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với các doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động quyết định lựa chọn 1 trong 3 phương án nghỉ Tết.
- Phương án 1: Nghỉ 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ.
- Phương án 2: Nghỉ 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ.
- Phương án 3: Nghỉ 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ.
Dù chọn phương án nào, doanh nghiệp phải thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Tại Việt Nam, người lao động được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, Tết chính thức hưởng nguyên lương gồm Tết Dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (1 ngày), Ngày Chiến thắng 30/4 (1 ngày), Quốc tế Lao động 1/5 (1 ngày) và Quốc khánh 2/9 (2 ngày).
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.
Việc có lịch nghỉ tết Nguyên đán sớm sẽ giúp người dân sắp xếp được công việc, giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông khi người dân di chuyển về quê đón Tết Nguyên đán.