Tấm lòng nhân ái

Hành trình yêu thương những đứa trẻ đặc biệt

Cô giáo Vũ Đoàn Tố Nga bên các học trò yêu thương

Cô giáo Vũ Đoàn Tố Nga bên các học trò yêu thương

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cô Nga đã có những chia sẻ xúc động về hành trình của mình - một hành trình của tình yêu, sự hy sinh và lòng nhân ái dành cho những đứa trẻ đặc biệt.

Phóng viên: Xin chào cô giáo Vũ Đoàn Tố Nga! Trước tiên, xin cảm ơn cô đã nhận lời tham gia buổi trò chuyện này. Điều gì đã thúc đẩy cô trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi về công tác tại trường Xã Đàn. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình sẽ dạy trẻ con, đúng như mong muốn và đam mê của mình. Nhưng có lẽ như một mối lương duyên, khi tôi bắt đầu làm việc với những học sinh khuyết tật, đặc biệt là các em khiếm thính, tôi dần dần nhận ra rằng đây chính là nơi mình thuộc về. Sự gắn bó và tình yêu thương dành cho các em lớn dần lên theo từng ngày, từng tháng, và cứ thế, tôi ở lại với ngôi trường này cho đến nay đã hơn 20 năm

Phóng viên: Hơn 20 năm cống hiến, chắc hẳn cô có rất nhiều kỷ niệm với các em học sinh. Có kỷ niệm nào khiến cô nhớ mãi không?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Một trong những kỷ niệm khiến tôi xúc động nhất là khi tôi dạy em M. học sinh khiếm thính. Việc dạy con vô cùng khó khăn, nhất là dạy nói, M. mới chỉ nói được từ đơn, thỉnh thoảng là từ đôi rất đơn giản, và không chủ động giao tiếp. Nhưng một ngày nọ, khi tôi đi họp về, vừa bước đến cửa lớp, bé M đã chạy ra reo lên: “Cô Nga về! Cô Nga về!” Tôi thực sự không tin vào tai mình, đứa trẻ khó khăn ấy đã có thể nói một câu dài và rõ ràng đến thế. Tôi đứng sững lại, nước mắt cứ chực trào ra. Đó là một niềm vui mà khó có thể diễn tả bằng lời, một khoảnh khắc khiến tôi cảm thấy tất cả nỗ lực của mình đều xứng đáng.

Phóng viên: Công việc dạy trẻ khuyết tật chắc chắn có rất nhiều thử thách?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Đúng vậy, công việc này có rất nhiều khó khăn, thậm chí đôi khi là nản lòng. Dạy trẻ khuyết tật không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn cần sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện. Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng chính tình cảm ngây thơ, hồn nhiên của các con đã giúp tôi vượt qua tất cả.

Mỗi sáng đến lớp, các em khiếm thính thường là những người đầu tiên chạy ra đón tôi, có em còn nhét vào tay tôi những mẩu giấy nhỏ với hình trái tim, kèm theo dòng chữ “Cô Nga con yêu.” Những điều bé nhỏ ấy chính là niềm vui, là động lực để tôi tiếp tục công việc mỗi ngày.

Phóng viên: Những học sinh của cô đã thay đổi như thế nào nhờ sự kiên trì và yêu thương của cô?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Qua thời gian, tôi nhận thấy sự phát triển rõ rệt ở các em học sinh, dù có thể tiến bộ chậm hơn so với trẻ bình thường. Từng bước nhỏ như việc các em biết nói một câu hoàn chỉnh, hay hòa nhập hơn với bạn bè, đó đều là những thành tựu vô cùng lớn lao với các em và với cả tôi. Mỗi ngày trôi qua, các em đều dần dần học thêm được một điều mới, dù đôi khi chỉ là những thay đổi rất nhỏ. Tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần giúp các em tiến bộ, giúp các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Phóng viên: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) và sắp tới là Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam (20/11), cô cảm nhận thế nào về vai trò của người phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Tôi nghĩ rằng, trong giáo dục đặc biệt, vai trò của người phụ nữ vô cùng quan trọng. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, lòng bao dung, và tình yêu thương vô bờ bến, mà tôi tin rằng đó chính là những phẩm chất tự nhiên của người phụ nữ. Chúng tôi không chỉ là những người thầy, mà còn là những “người mẹ thứ hai” của các em, luôn sẵn sàng yêu thương và chăm sóc các em với tất cả tình yêu của mình.

Phóng viên: Cô có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề giáo viên dạy trẻ khuyết tật không?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Nếu các bạn có đam mê với công việc này, tôi khuyên rằng hãy trau dồi chuyên môn thật tốt, và rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn, lòng bao dung. Quan trọng nhất, các bạn cần có một trái tim yêu thương, biết trân trọng những điều nhỏ bé xung quanh. Vì nếu không có tình yêu và lòng nhân hậu, bạn sẽ khó theo đuổi được nghề dạy trẻ khuyết tật, bởi đây không phải là một công việc dễ dàng.

Phóng viên: Công việc của cô rất vất vả, vậy cô thường làm gì để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Tôi may mắn khi có một gia đình luôn ủng hộ và hiểu cho công việc của mình. Mỗi tối, tôi thường chia sẻ với chồng và con về những câu chuyện ở lớp, và họ luôn lắng nghe với sự quan tâm. Bố mẹ chồng tôi cũng là giáo viên, nên họ rất thấu hiểu và tạo điều kiện để tôi hoàn thành tốt công việc. Ngoài giờ dạy, tôi chăm sóc gia đình, trồng hoa, nấu ăn, và dành thời gian cho bản thân. Những điều đó giúp tôi cân bằng cuộc sống và tái tạo năng lượng để tiếp tục làm việc.

Phóng viên: Điều gì trong công việc khiến cô cảm thấy vui vẻ và có thêm động lực mỗi ngày?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Điều khiến tôi vui nhất chính là nhìn thấy các em tiến bộ từng ngày, dù chỉ là những bước nhỏ. Những nụ cười, những cử chỉ yêu thương từ các em khiến tôi cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa. Hàng ngày, tôi đều thấy biết ơn vì có cơ hội giúp các em học tập, phát triển, và đó là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục công việc này.

Phóng viên: Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam, cô có điều gì muốn gửi gắm đến các đồng nghiệp của mình không?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Tôi muốn gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến tất cả các đồng nghiệp, đặc biệt là những người phụ nữ đang cống hiến trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Chúng ta đang làm một công việc khó khăn nhưng vô cùng ý nghĩa. Hãy luôn giữ trái tim yêu thương và truyền tải điều đó đến với các em học sinh của mình mỗi ngày.

Phóng viên: Cô mong muốn gì cho các học sinh của mình trong tương lai?

Cô Vũ Đoàn Tố Nga: Tôi mong các em lớn lên sẽ có thể tự lập, có được công việc để nuôi sống bản thân và hòa nhập với xã hội. Tôi hy vọng rằng các em sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình hay xã hội, mà ngược lại, có thể đóng góp cho đất nước bằng chính khả năng của mình.

Phóng viên: Cảm ơn cô giáo Nga rất nhiều vì những chia sẻ đầy xúc động và ý nghĩa. Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam, xin chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục thành công trên con đường mà cô đã chọn./.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất