Một lần, cả lớp tôi đi xem xiếc. Tôi rất vui khi đến đó, bởi vì tôi sắp 8 tuổi rồi mà mới được xem xiếc mỗi lần mà lần đó cũng đã từ lâu lắm rồi. Cái chính là bạn Alyonka mới chỉ 6 tuổi mà đã được đi xem xiếc những 3 lần. Tôi cảm thấy rất đau lòng. Thế là bây giờ cả lớp tôi đi đến rạp xiếc, và tôi nghĩ, thật tuyệt vời rằng mình đã lớn và lần này sẽ được xem mọi thứ thỏa thích. Còn lần trước thì tôi còn bé và chẳng hiểu xiếc là gì.
Lần đó, khi các diễn viên nhào lộn bước ra sân khấu và người này trèo lên đầu người kia, tôi đã bật cười như nắc nẻ vì nghĩ rằng, họ cố tình làm như vậy để gây cười vì ở nhà tôi chưa bao giờ thấy các chú lớn tuổi trèo lên người nhau. Và ngoài đường cũng không xảy ra chuyện đó. Tôi không hiểu đó là các nghệ sỹ biểu diễn sự khéo léo.
Ngoài ra, lần đó tôi chủ yếu nhìn xem dàn nhạc biểu diễn - người đánh trống, người thổi kèn, - và nhạc trường vung vẩy cây đũa, chẳng ai nhìn ông ta cả và tất cả các nhạc công cứ chơi theo cách của mình trên nhạc cụ của mình. Tôi rất thích nhưng trong lúc đang xem các nhạc công thì ở giữa sân khấu các nghệ sỹ đã biểu diễn. Tôi không nhìn thấy họ nên đã bỏ lỡ tiết mục hay nhất. Dĩ nhiên, lúc đó tôi vẫn còn ngu toàn diện.
********
Và cả lớp tôi đã đến rạp xiếc. Tôi thấy thích thú ngay vì nó tỏa ra mùi gì đó rất đặc trưng và trên tường treo những bức tranh rực rỡ, xung quanh sáng rực, trần rạp cao và trên đó gắn những chiếc đu lấp lánh. Lúc đó, nhạc đã nổi lên, mọi người bắt đầu ngồi vào chỗ của mình, sau đó đi mua kem và bắt đầu ăn.
Bỗng nhiên, từ sau bức màn che bước ra cả một đoàn người ăn mặc rất đẹp, quần áo đỏ sọc vàng. Họ xếp hàng hai bên màn che, người phụ trách của họ mặc bộ véc đen đi giữa hai hàng. Ông ta hét to câu gì đó hơi khó nghe, và âm nhạc nổi lên nhanh và mạnh, tiếp đến một diễn viên tung hứng nhảy ra sân khấu và trò vui nhộn bắt đầu. Người nghệ sỹ tung những quả cầu lên cao, chắc phải chục quả hay cả trăm quả, bắt lấy rồi tung ngược lên. Sau đó ông chụp lấy một quả bóng vằn và bắt đầu biểu diễn với nó. Ông tâng bóng bằng đầu, bằng trán và gáy, lăn bóng trên lưng, hất bóng bằng gót giày, và quả bóng lăn khắp người ông như thể bị nam châm hút. Tiết mục này rất đẹp. Đột nhiên, người diễn viên tung quả bóng về phía khán giả chúng tôi, và một cuộc nhốn nháo được khơi mào, vì tôi bắt được bóng và ném cho Valerka, Valerka lại ném cho Misha, còn Misha thì nhắm và ném vào ông nhạc trưởng, nhưng không trúng ông ấy mà trúng vào cái trống. Bùm một tiếng. Người đánh trống tức giận ném quả bóng trả người tung hứng, nhưng nó không đến đích mà trúng vào búi tóc của một cô xinh đẹp, làm búi tóc của cô xổ tung xõa xượi. Và tất cả chúng tôi được mẻ cười đến vỡ bụng.
Khi diễn viên tung hứng chạy vào sau màn che, chúng tôi mãi chưa hết cười. Nhưng đúng lúc này người ta lăn ra sân khấu một quả cầu to màu thiên thanh. Và người dẫn chương trình bước ra giữa sân khấu và hét lên gì đó rất khó nghe. Và dàn nhạc lại chơi điệu nhạc vui nhộn nhưng không dồn dập như trước. Bỗng nhiên, một cô bé chạy ra sân khấu. Tôi chưa bao giờ thấy cô bé nào nhỏ nhắn và xinh đẹp như thế. Cô có cặp mắt xanh biêng biếc, bao quanh là hàng mi dài. Cô bé mặc váy lóng lánh như bạc. Cánh tay cô bé dài, vung vẩy như cánh chim. Cô nhảy lên quả cầu mà người ta vừa lăn ra sân khấu.
Cô bé đứng trên quả cầu. Rồi cô bé đột nhiên cất bước chạy, như thể muốn nhảy khỏi quả cầu, nhưng nó quay tít dưới chân cô, cô bé chạy trên quả cầu nhưng thực ra là cô đi trên quả cầu quanh sân khấu. Tôi chưa bao giờ thấy cô bé nào như thế. Tất cả các cô bé khác đều bình thường, còn cô bé này rất đặc biệt. Cô bé chạy trên quả cầu bằng đôi chân nhỏ như chạy trên đất bằng, còn quả cầu xanh mang cô bé đi, đi tới đi lui, sang phải sang trái, cô đi đâu nó theo đấy. Cô bé cười vui vẻ, chạy mà như đang bơi, còn tôi nghĩ, cô chắc chắn là cô bé tý hon, vì cô bé thật bé nhỏ, dễ thương và giỏi phi thường.
Lúc này, cô bé đã dừng lại và người ta tung cho cô những chiếc vòng gắn những quả chuông nhỏ, và cô bé đeo nó vào chân, vào tay rồi bắt đầu từ từ xoay người trên quả cầu như đang múa. Và dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc êm dịu, và có thể nghe rõ tiếng ngân tinh tế của những quả chuông vàng trên đôi cánh tay dài của cô bé. Tất cả những điều đó diễn ra giống như trong truyện cổ tích. Sau đó người ta còn tắt hết đèn, và dường như cô bé còn tỏa sáng trong bóng tối, và cô chậm rãi đi như bơi vòng tròn quanh sân khấu, và từ người cô phát ra ánh sáng và tiếng chuông ngân leng keng, và điều đó thật kỳ diệu - suốt đời mình tôi chưa từng thấy điều gì giống như vậy.
Khi đèn bật sáng, mọi người vỗ tay hoan hô và hò hét "Hoan hô", tôi cũng hét "Hoan hô". Cô bé nhảy khỏi quả cầu và chạy về phía trước, lại gần chỗ chúng tôi, đang trên đà chạy, cô bỗng nhảy lộn một vòng nhanh như chớp, lại vòng nữa, vòng nữa, cứ thế tiến về phía trước. Tôi có cảm giác, cô bé sắp va vào thanh chắn, và tôi đột nhiên cảm thấy rất sợ. Tôi bật dậy và muốn chạy lại đỡ để cô không va vào thanh chắn nhưng cô bé đã bất ngờ dừng lại như thể chân cắm xuống đất, dang rộng đôi cánh tay dài, dàn nhạc ngừng chơi, còn cô bé đứng đó và mỉm cười. Giây phút ấy, cô bé nhìn tôi, và tôi cũng thấy rằng, cô đã biết tôi đang nhìn cô và, tôi cũng thấy cô nhìn thấy tôi, cô vẫy tay với tôi và mỉm cười. Cô chỉ vẫy tay và mỉm cười với riêng tôi. Và tôi lại muốn chạy đến với cô, tôi chìa tay về phía cô.
Và cô chợt gửi cho mọi người một nụ hôn gió và chạy về sau màn che đỏ, tất cả diễn viên cũng chạy về đó. Một anh hề với con gà trống bước ra sân khấu. Anh bắt đầu hắt hơi và ngã, nhưng tôi không quan tâm đến diễn viên này. Đầu óc tôi chỉ nghĩ đến cô bé múa trên quả cầu, cô kỳ diệu làm sao và cách cô vẫy tay và mỉm cười với tôi và tôi chẳng muốn tiếp tục xem gì nữa. Ngược lại, tôi nhắm chặt mắt để khỏi nhìn thấy anh hề ngu ngốc với cái mũi đỏ bởi vì anh phá hỏng tiết mục của cô bé của tôi: tôi mường tượng thấy cô vẫn đang biểu diễn trên quả cầu màu thiên thanh cho tôi xem.
Sau đó người ta thông báo nghỉ giải lao, mọi người chạy ra quầy uống nước chanh, còn tôi lặng lẽ đi xuống dưới, lại gần tấm màn che, chỗ các diễn viên đi ra sân khấu.
Tôi muốn lại được nhìn cô bé, tôi đứng cạnh màn che và nhìn ngó - biết đâu cô bé đột nhiên bước ra? Nhưng cô bé không đi ra. Sau giờ giải lao là tiết mục xiếc sư tử, tôi không thích việc người dạy thú lúc nào cũng nắm đuôi chúng, như thể chúng không phải là sư tử mà là những con mèo ốm yếu. Anh ta bắt chúng ngồi chỗ này chỗ nọ hoặc bắt chúng nằm thành hàng rồi đi trên người chúng như bước trên tấm thảm còn bộ dạng chúng như không được phép nằm yên. Điều đó chẳng thú vị gì vì sư tử phải săn mồi và đuổi bắt những con bò mộng bizon ở thảo nguyên Nam mỹ mênh mông và tuyên bố chủ quyền lãnh địa bằng tiếng gầm hung dữ, làm muông thú run sợ. Còn như thế này thì không phải là sư tử, còn là cái gì thì tôi không biết.
Buổi biểu diễn kết thúc và lớp tôi đi về, tôi lúc nào cũng nghĩ đến cô bé trên quả cầu.
**********
Buổi tối, bố tôi hỏi:
- Thế nào? Xiếc hay chứ, con?
Tôi trả lời:
- Bố ạ. Ở rạp xiếc có một cô bé. Cô ấy múa trên quả cầu màu thiên thanh. Cô ấy tuyệt vời lắm, hơn tất cả mọi diễn viên khác! Cô ấy mỉm cười và vẫy tay với con. Chỉ với mình con thôi, thật đấy! Bố hiểu không? Chủ nhật tới mình đi xem nhé! Con sẽ chỉ cô ấy cho bố.
Bố nói:
- Chắn chắn mình sẽ đi. Bố cũng thích xem xiếc.
Còn mẹ nhìn hai bố con tôi như thể mới lần đầu nhìn thấy hai bố con vậy.
Và bắt đầu một tuần dài dằng dẵng, tôi ăn, học, thức dậy, đi ngủ, chơi và thậm chí còn đánh nhau, nhưng dù sao ngày nào tôi cũng nghĩ, biết bao giờ cho đến chủ nhật, và tôi sẽ cùng bố đến rạp xiếc và lại thấy cô bé múa trên quả cầu, tôi sẽ chỉ cô ấy cho bố, và biết đâu, bố sẽ mời cô bé đến nhà chơi, và tôi sẽ tặng cô khẩu súng lục Browning và sẽ vẽ con tàu giương căng buồm ra khơi.
Nhưng chủ nhật bố không đi được. Các bạn bố đến nhà và họ vùi đầu vào những bản vẽ gì đó, la hét, hút thuốc, uống trà và ngồi đến khuya. Sau khi họ về, mẹ nhức hết cả đầu, còn bố bảo:
- Chủ nhật tới con nhé. Bố hứa danh dự.
********
Và tôi đã chờ đến chủ nhật sau, tôi thậm chí không nhớ, mình đã trải qua một tuần nữa như thế nào. Và bố đã giữ lời hứa: bố đã đi cùng tôi đến rạp xiếc, mua vé ngồi ngay hàng thứ hai, còn tôi vui mừng vì được ngồi gần như vậy. Buổi diễn bắt đầu và tôi nóng lòng chờ đến tiết mục của cô bé múa trên quả cầu. Nhưng người dẫn chương trình toàn xướng tên những diễn viên khác, họ bước ra và biểu diễn nhiều tiết mục nhưng cô bé vẫn không xuất hiện. Tôi hoàn toàn run lên vì mất kiên nhẫn. Tôi rất muốn bố nhìn thấy cô bé kỳ diệu làm sao trong bộ quần áo màu bạc khoác chiếc áo gió và khéo léo chạy trên quả cầu màu thiên thanh. Và cứ mỗi lần người dẫn chương trình bước ra, tôi lại thầm thì với bố:
- Bây giờ họ sẽ gọi tên cô ấy đấy!
Còn ông ta cứ xướng tên người khác như trêu ngươi, còn tôi thậm chí sinh ra căm thù ông ta, tôi luôn miệng bảo bố:
- Cái ông này toàn nói những cái vớ vẩn trơn như bôi mỡ. Cái này không phải thế!
Còn bố không thèm liếc nhìn tôi và bảo:
- Con đừng làm rộn. Tiết mục này rất hay. Đây là trò hay nè!
Tôi nghĩ, một khi trò này mà bố thấy hay thì rõ ràng chẳng hiểu gì về xiếc cả. Để xem, bố sẽ khen ngợi thế nào khi thấy cô bé múa trên quả cầu. Chắc bố sẽ nhảy cẫng trên ghế lên đến hai mét.
Ngay lúc đó, người dẫn chương trình bước ra và hét lên bằng cái giọng của người vừa câm vừa điếc:
- Đến giờ giải... lao!
Tôi đơn giản không tin ở tai mình! Giải lao? Tại sao? Vì ở phần hai sẽ chỉ có tiết mục sư tử! Vậy cô bé múa trên quả cầu của mình đâu? Cô ấy đâu rồi? Sao cô bé không biểu diễn? Có lẽ cô bé bị ốm chăng? Có lẽ, cô bé bị ngã và chấn thương sọ não?
Tôi nói:
- Bố, mình đi nhanh lên, xem cô bé múa trên quả cầu ở đâu!
Bố trả lời:
- Ừ, ừ. Còn cô diễn viên đi thăng bằng của con ở đâu nhỉ? Sao không thấy cô ấy nhỉ! Ta đi mua tờ chương trình!
Bố tỏ ra vui và thích thú. Bố nhìn xung quanh, rồi cười và nói:
- Ồ, thích thật. Bố thích xiếc! Chính cái mùi vị này. Đầu óc cứ xoay tít mù.
Hai bố con ra hành lang, ở đó đông người đi lại, người ta bán kẹo và bánh xốp, trên tường treo ảnh chụp mấy con hổ. Hai bố con đi loanh quanh một lúc thì thấy cô soát vé tay cầm những tờ chương trình. Bố mua một tờ và bắt đầu xem. Còn tôi sốt ruột đến mức không nhịn được và hỏi cô soát vé:
- Cô ơi, bao giờ đến tiết mục cô bé múa trên quả cầu?
- Cô bé nào nhỉ?
Bố nói:
- Trong chương trình có tiết mục của diễn viên thăng bằng T. Vorontsova. Cô ấy đâu rồi?
Tôi đứng yên, im lặng lắng nghe.
Cô soát vé nói:
- Chà, hai bố con hỏi cô bé Tanhezhka Vorontsova phải không? Cô bé đi rồi. Đi rồi. Thế nào, giờ mới biết à?
Tôi đứng im lặng, lắng nghe bố tôi nói chuyện với cô soát vé.
Bố nói:
- Hai tuần nay chúng tôi bận quá. Muốn xem diễn viên thăng bằng T. Vorontsova mà bây giờ cô bé không còn ở đây nữa.
Cô soát vé:
- Vâng, cô bé đi rồi. Đi cùng bố mẹ. Bố mẹ cô bé là "Những người da thịt bằng đồng, là cặp đôi Yarvos" đấy. Có lẽ, hai bố con chưa từng nghe qua à? Tiếc thật! Họ vừa đi chiều tối hôm qua.
Tôi bảo:
- Đấy, bố thấy chưa.
- Bố không biết là cô bé sẽ đi. Tiếc quá. Trời ơi. Nhưng bây giờ chả làm thế nào được!
Tôi hỏi cô soát vé:
- Có thật không cô?
- Chính xác mà.
Tôi hỏi:
- Cô biết họ đi đâu không?
Cô soát vé trả lời:
- Đi Vladivostok.
Đến tận nơi đó! Xa quá! Vladivostok. Tôi biết, nơi này ở tận cuối bản đồ, phía bên phải Moscow.
Tôi thốt lên:
- Xa quá!
Cô soát vé đột nhiên giục:
- Hai bố con về chỗ ngồi đi. Sắp tắt đèn rồi đấy.
Bố khoác tay tôi:
- Đi thôi, Đeniska. Đi xem sư tử có bờm dài, gầm gừ - cảnh tượng kinh dị! Nhanh chân lên con.
Tôi nói:
- Mình đi về thôi, bố.
Bố nói:
- Lại còn thế nữa.
Cô soát vé bật cười.
Nhưng hai bố con tôi đã đến quầy giữ quần áo, tôi chìa thẻ, hai bố con mặc áo và ra khỏi rạp xiếc. Hai bố con tôi đi bộ dọc đại lộ, đi một lúc khá lâu thì tôi cất tiếng:
- Vladivostok ở tận cùng bản đồ. Đến đó, nếu đi tàu hỏa, chắc phải mất cả tháng.
Bố im lặng. Rõ ràng, bố không hiểu tôi muốn nói gì. Chúng tôi đi một lúc nữa thì tôi chợt nhớ đến máy bay và nói:
- Còn bay bằng tàu bay TU-104 thì chỉ mất 3 tiếng là có mặt ở đó!
Nhưng bố vẫn không trả lời. Bố nắm chặt tay tôi. Khi ra đến phố Gorkyi, bố nói:
- Vào quán cafe-kem đi. Mỗi người hai suất nhé?
Tôi trả lời:
- Con không muốn ăn kem bây giờ.
- Ở đó có bán loại nước Kakhetinskaya. Chưa nơi nào có loại thức uống ngon thế đâu.
Tôi nói:
- Con không muốn.
Bố không dỗ dành tôi nữa. Bố chỉ rảo bước và nắm chặt tay tôi. Tôi thậm chí cảm thấy đau. Bố bước rất nhanh và tôi khó khăn lắm mới theo kịp. Tại sao bố đi nhanh thế? Tại sao bố không nói chuyện với tôi? Tôi muốn nhìn bố. Tôi ngẩng đầu lên. Khuôn mặt bố tôi rất nghiêm nghị và buồn buồn.
Tác giả: Victor Dragunsky, 1969.
Người dịch: Dương Nguyên Khải.