(SKTE) - Genka rất thích xem những bộ phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Cậu còn thích đọc những truyện không ghi rõ dành cho lứa tuổi nào - nghĩa là truyện cho người lớn.
Một lần, khi trên radio thông báo có khóa học dành cho các bậc phụ huynh, cậu quyết định rằng mình dứt khoát phải nghe bài giảng này.
Trong radio cất lên giọng nói tẻ ngắt của một người được phát thanh viên giới thiệu kèm theo học vị dài lê thê: "tiến sỹ sư phạm học". Genka luôn cố hình dung ra những người mà cậu nghe thấy giọng trên radio. Bây giờ, trong trí tưởng tượng của cậu, đó là một phụ nữ người khô đét đeo kính không gọng và mặc áo choàng trắng. Cái từ "bác sỹ" rất hợp với bà ta, vì mỗi câu bà ta nói nghe như là đơn thuốc (trong tiếng Nga, từ tiến sỹ và bác sỹ phát âm như nhau - ND).
Đơn thuốc đầu tiên là: "Trẻ em càng đọc sách nhiều thì càng học tốt". Genka thấy chột dạ: rõ ràng là cậu lớn khôn không đúng nguyên tắc. Nếu như thi thoảng cậu bị điểm kém thì, có lẽ, chắc chắn là do đọc sách. Mãi gần đây, Genka vẫn còn đọc sách trong lúc ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối. Cậu dùng lọ đựng đường bụng phệ để chặn sách. Thoạt đầu cái lọ đường đứng chống nạnh oai vệ bằng hai tay cầm thanh mảnh, sau đó còn một tay cầm và, cuối cùng, nhờ sự giúp sức của cậu, nó chẳng còn cái tay cầm nào.
Đơn thuốc thứ hai cũng không hợp với cậu: "Trẻ em cần kính trọng chứ không phải là sợ cha mẹ".
Còn Genka đồng thời vừa kính trọng và vừa sợ bố. Chính bố là người đầu tiên tuyên chiến với thói "mọt sách" của cậu. Bố tổ chức tấn công theo đúng các nguyên tắc khoa học quân sự.
Đầu tiên bố tiến hành trinh sát... Có vẻ như, tên sách và tên tác giả lẫn lộn lung tung trong đầu Genka. Cậu nhầm Kuper với Kuprin, Stanyukovich với Grigorovich. Sau đó, bố chuyển sang tấn công: bố bắt đầu châm chọc cậu, ngay cả lúc có mặt người ngoài. Genka rất lúng túng... Lúc đó, bố mới tung đòn quyết định tấn công vào "sơ hở" đã lộ ra.
Bố đặt mạnh tay xuống bàn. Tay bố to đến nỗi cầm thìa và dĩa như cầm đồ chơi:
- Bây giờ hai bố con ta cùng đọc!
- Cùng là thế nào hả bố? - Genka ngạc nhiên. - Đọc thành tiếng hả bố?
- Không đọc thành tiếng nhưng cũng không đến mức quá thầm. Con đi mượn những cuốn sách theo lời bố dặn, sau đó bố con mình cùng thảo luận.
Ở tầng một có thư viện cho trẻ em. Cô thủ thư có biệt hiệu "Cẩn thận kẻo rách" lấy cho Genka mượn những cuốn sách mà bố dặn cậu đọc. Giờ kiểm tra bắt đầu trong lúc ăn tối.
- Con lại bỏ qua chỗ miêu tả thiên nhiên đúng không? - bố hỏi.
- Con không bỏ sót đoạn nào cả, - Genka biện bạch.
- Xấu nhất là khi con nói dối. Nào, ví dụ, ở chỗ này, tuyết đầu mùa được so sánh với cái gì?
Genka ngồi không yên. Cậu muốn chạy ra ngoài để ngửi mùi tuyết: có lẽ, cậu sẽ đoán ra, cụ thể là bố hỏi đến sự so sánh nào.
- Nhà văn ví mùi tuyết đầu mùa với mùi dưa hấu! Đó là phép so sánh rất sinh động và chính xác. Mà con thì bỏ qua...
Đôi lúc mẹ cũng chen vào cuộc tranh luận của hai bố con. Bố ngay lập tức đồng tình với ý kiến của mẹ. Còn mẹ thì bắt đầu giận dữ:
- Chỉ có trên tàu điện mới phải nhường chỗ cho phụ nữ. Còn lịch sự trong tranh luận thì chả có tác dụng gì cả!...
Mẹ là nhân viên đánh máy. Mẹ thường mang việc về nhà làm. Đối với mẹ, dường như nhà vắng mẹ một ngày là sẽ xảy ra chuyện khủng khiếp, sẽ có tai họa không thể sửa chữa được.
Buổi sáng, mẹ chẳng vội đi đâu nhưng mẹ dậy sớm nhất nhà. Mẹ chuẩn bị bữa sáng cho bố và Genka. Khi tạm biệt mẹ để đi làm, bố hôn lên tóc mẹ và lần nào cũng nói cùng một câu: "Tạm biệt, bé yêu của anh!".
Sắc mặt mẹ lập tức thay đổi... Nó ửng hồng lên. Genka bắt đầu có cảm giác rằng, mẹ dậy sớm như vậy chỉ cốt để được nghe bố nói câu này.
Cái từ "em bé" thật không thích hợp với mẹ một chút nào: mẹ đâu có phải người bé nhỏ. Nhưng không lẽ, mẹ lại cao tới một trăm tám mươi tám xăng ti mét như bố?
Con số này là niềm tự hào đặc biệt của Genka. Nhưng bố chỉ đặt tên cho cậu con trai một cách cứng ngắc và đơn giản là Gennady...
Hai bố con đi cùng nhau trên phố, cùng đi đến góc đường.
Điều đó thật tuyệt vời - được đi cùng với bố: mẹ ở nhà, còn hai bố con là hai người đàn ông, trông như là người của công việc, vừa vội vàng vừa gấp gáp.
Genka biết rằng, tất cả các bạn trong khu nhà đều nhìn cậu với vẻ ghen tị, vì tất cả bọn chúng đều kính trọng bố cậu. Bố cậu đã dạy bọn trẻ xây pháo đài bằng băng, kể chuyện về những cỗ máy mới mà chính bố thiết kế.
Đến góc đường, hai bố con tạm biệt nhau ngắn gọn, đúng kiểu đàn ông với nhau.
- Thôi, con đi đi, - bố nói.
Còn buổi chiều tối Genka sốt ruột đợi bố về. Cậu nhận ngay ra tiếng bước chân của bố: bố không bao giờ bước lên cầu thang một cách vội vã, tựa như bước từng bậc một, vừa đi vừa nghĩ nên bước tiếp hay lùi xuống. Bố chỉ bấm chuông cửa một lần. Tiếng chuông cửa của bố cũng không vội vã, dường như nó cũng đã được suy nghĩ thận trọng... Genka rất muốn mở cửa cho bố. Nhưng cậu biết, có người còn muốn hơn, đó là mẹ. Cậu nhường mẹ mở cửa cho bố... Bố lại hôn lên tóc mẹ và lại lặp lại gần như là câu đã nói buổi sáng: "Chào em, bé yêu của anh!". Câu này bố nói nghe còn dịu dàng hơn, chắc là, sau một ngày làm việc, bố rất nhớ mẹ.
Genka thì không thích những lời nói dịu dàng tí nào. Nhưng khi nghe những lời bố nói với mẹ, cậu cảm thấy tự tin và bình tâm...
Bố nhìn thẳng vào mắt mẹ:
- Sao mắt em sưng húp lên thế! Nhà mình cần cái đồ kêu lạch cạch này làm gì? - bố gọi cái máy chữ của mẹ như vậy.
- Không phải do nó, mà kẻ thù của em gây ra đấy, - mẹ nửa đùa nửa thật phân trần. Kẻ thù là cách mẹ gọi những nét chữ khó suy luận ra. Mẹ nói rằng, thậm chí đêm ngủ mẹ còn mơ thấy những chữ viết không rõ khác nhau, nhất là chữ "t" - cái chữ đuổi theo sát gót mẹ trên 3 cái chân mảnh khảnh (chữ "t" trong tiếng Nga viết như chữ "m" ký tự latin - ND).
Còn với Genka bố chỉ hỏi qua:
- Bài vở của con thế nào?
Bố không xem sổ liên lạc để kiểm tra xem cậu có nói thật hay không. Chính vì vậy, Genka không thể nói dối. Nếu mang điểm kém về nhà, cậu nói thẳng với bố. Bố không làm to chuyện. Genka không phải nghe bố trách mắng nhưng những buổi chiều tối như vậy cậu không được nghe những suy luận của bố về "tin nóng nhất" và về những cỗ máy mới nhất - chúng cũng giống như người - được bố phân loại thành "nhanh hiểu" và "chậm hiểu".
Mẹ thì cư xử hoàn toàn khác. Mẹ mở sổ liên lạc và xem điểm số đen đủi tựa như đọc tin thảm họa. Sau đó đi sang nhà hàng xóm cũng có con gái học lớp sáu. Cuộc nói chuyện bắt đầu, trong đó không một lần gọi đích danh Genka cũng như cô con gái nhà bên: "con nhà chúng tôi" ám chỉ cậu, còn "con bé nhà tôi" ám chỉ cô bé kia.
- Con nhà chúng tôi hôm nay lại tha về nhà điểm ba. Bố thì bảo, ba còn tệ hơn hai: kẻ tám lạng người nửa cân (nguyên văn: chả phải nến cho chúa, chả phải que cời cho quỷ), - mẹ than phiền. Mẹ thích lặp lại lời bố nói: dường như đối với mẹ, chúng là những lời lẽ đáng tin nhất và có sức thuyết phục nhất.
- Thôi chị cũng đừng quá nghiêm khắc với thằng bé: con nhà chị ngốn bao nhiêu là sách, còn con bé nhà tôi đố mà bắt nó ngồi đọc đấy.
- Bác đừng có bênh thằng nhà tôi. Nó có thể học khá đấy: nó có khả năng mà!
- Con bé nhà tôi cũng rất có khả năng!...
"Tại sao cha mẹ nào cũng tưởng con mình có khả năng nhỉ?" - Genka ngờ vực. Mẹ cứ thở dài mãi... Nhưng sự im lặng của bố đối với Genka còn khó chịu hơn nhiều so với những lời than vãn của mẹ.
Duy có một điểm yếu của Genka mà bố không tài nào sửa được. Điểm yếu đó là đam mê phim ảnh không gì dập tắt được của cậu. Tuồng như, nếu tồn tại những phim mà, vì lý do gì đó, cấm người dưới 60 tuổi, thì cậu cũng xem bằng được. Một ít tiền mẹ cho, còn lại cậu kiếm được nhờ chế độ tiết kiệm ngặt nghèo nhất: hai ngày mới ăn sáng một lần ở trường, đi tàu điện và xe buýt bằng cách trốn vé.
Khi Genka về đến nhà mà mắt không dám nhìn ai, bố thể nào cũng nhìn cậu như có ý cảnh báo: "Đừng có bịa ra chuyện gì đấy. Bố thừa biết rằng con đã đi xem phim".
Và trong lúc ăn tối, cậu nói mà như không nói cụ thể với ai:
- Hôm nay vừa có phim mới. Bố mẹ có muốn biết, phim nói về chuyện gì không?
Và cậu đành phải kể lại nội dung bộ phim.
Đôi khi mẹ bảo bố:
- Hay là buổi tối em với mình đi xem nhé? Genka sẽ kiếm vé: nó là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bố thì xua tay:
- Mình biết đấy, anh cũng rất thích. Nhưng hôm nay đúng lúc...
Bố gọi tên một trong những kỹ sư "nhanh hiểu" là người mà bố phải tham khảo ý kiến. Hoặc là ai đó trong số những người "chậm hiểu" mà bố phải tranh luận với họ...
Genka tức giận nhìn mẹ chằm chằm: chẳng lẽ mẹ không hiểu là bố bận thế nào à?
Một hôm, Genka biết được rằng, cách nhà cậu ba khu phố có chiếu một bộ phim cũ, mà các bạn cậu bình phẩm một cách ngắn gọn nhưng đầy biểu cảm: "Tuyệt tác!".
Bộ phim này trước đây Genka chưa kịp xem chỉ vì lý do đơn giản là vào thời gian công chiếu lần đầu cậu còn chưa chào đời.
Cậu không định đi xem xuất chiếu buổi chiều tối. Nhưng biết rằng, bố phải về muộn: hôm đó là một ngày trọng đại của bố - thử nghiệm máy móc mới. Bố nói rằng, vẫn có thể xảy ra những điều không lường trước và rằng, ai đó trong số những kỹ sư "chậm hiểu" có thể sẽ đưa ra ý kiến trái chiều...
Bố lo lắng thì đúng rồi! Còn mẹ sao không lo lắng trong lúc đợi bố về cơ chứ? Mẹ đứng ngồi không yên: lúc thì ngồi đánh máy, lúc thì chạy ra cầu thang mỗi khi nghe tiếng bước chân ai đó.
Genka muốn đi xem phim còn để giết thời gian. Để lúc trở về nhà nhìn thấy bố và qua nét mặt mẹ (chính là mẹ!) hiểu được liệu mọi chuyện có ổn không, có hoàn toàn ổn không...
Genka dẫn theo cậu bạn cao tồng ngồng học lớp 7 lên là Zhora. Cậu này dễ dàng mua vé xem bất kỳ buổi chiếu nào. Zhora mua vé xem phim cho tất cả bọn trẻ trong khu nhà với một khoản phí nhỏ: các cuốn sách hiếm và các con tem hình tam giác.
Hai đứa đi vội vã dọc các con phố lúc chiều tối, va phải những khách qua đường và bầm bầm nói lời xin lỗi mà chỉ chúng mới nghe thấy. Khi chúng đến rạp chiếu phim thì đã muộn: vé đã bán hết. Buổi chiếu trước đó đã kết thúc... Mọi người đổ khỏi phòng chiếu, nheo mắt vì ánh đèn, vừa đi vừa cài áo khoác và vừa kể cho nhau cảm tưởng về bộ phim. Genka nhìn họ với vẻ ghen tị.
Bỗng nhiên cậu nghe thấy một giọng nói quen thuộc:
- Em không lạnh chứ, bé yêu?
Genka ngoảnh lại và nhìn thấy bố. Bố đang cúi xuống để giúp một phụ nữ trẻ nào đó ("Trẻ hơn mẹ... " - cậu nhận ra ngay) choàng chiếc khăn lộng lẫy và áo khoác lông cừu non.
Genka muốn nấp vào một chỗ: cậu bị cấm tiệt việc đi xem phim buổi chiều tối. Nhưng mắt cậu dù không muốn vẫn cứ ngước lên và bắt gặp ánh mắt của bố - và cậu sửng sốt lùi lại một bước: cậu thấy, chính bố tỏ ra sợ hãi cậu. Đúng, bố sợ cậu! Bố cậu, người luôn tỏ ra là người điềm tĩnh, mực thước trong mọi cử chỉ và hành động, đang lăng xăng bỗng ngượng ngùng rút tay mình khỏi tay người phụ nữ, thậm chí cậu có cảm giác rằng, bố còn muốn nấp sau cây cột, mà cây cột này thì không thể che hết người bố vì nó nhỏ và hẹp còn bố cậu thì to lớn kềnh càng.
Còn Genka chỉ có thể giúp bố thoát khỏi tình huống khó xử bằng cách vùng chạy ra ngoài và chạy nhanh đến mức Zhora chân dài cũng không thể nào bắt kịp cậu.
Nhưng khi chạy đến một ngã tư nào đó thì cậu dừng lại - trong tai cậu vẫn văng vẳng câu nói: "Em không lạnh chứ, bé yêu?". Người phụ nữ trẻ mà bố quàng chiếc khăn lộng lẫy cho ấy, thực sự không cao lắm... nhưng Genka có cảm giác, cô ta là một dã nhân, rằng cô ta không xứng với những lời nói vốn chỉ thuộc về mẹ, chỉ một mình mẹ cậu thôi. Hay là người phụ nữ đó là "bé yêu" thực sự?
Còn việc thử nghiệm máy móc thì sao? Có nghĩa, đó là dối trá? Cũng có lẽ, hoàn toàn chả có cái máy nào sất? Bố đã nói dối... Genka không thể nào hiểu được điều đó, nó không có chỗ trong nhận thức của cậu. Vậy, có lẽ, tất cả đều dối trá: cả những cuộc trò chuyện về sách, những tin tức mà bố nói, những cuộc tranh luận của hai bố con trong bữa tối? Tất cả, tất cả đều là dối trá?
Cô thủ thư có biệt danh "Cẩn thận kẻo rách" gọi cậu:
- Genka, vào đây, cô kiếm được cuốn sách mà cháu hỏi rồi đấy.
Nhưng Genka xua tay từ chối: cậu không muốn mượn cuốn sách mà bố khuyên cậu đọc. Không biết vì sao cậu không tin vào cuốn sách này... Về đến nhà, Genka chạy ngay vào trong giường.
- Con làm sao thế? Người con nóng bừng bừng... Con không bị sốt đấy chứ?
Mẹ lo nhất là khi bố và Genka không được khỏe - lúc đó thì bất cứ bệnh gì, dù vớ vẩn nhất, mẹ cũng cho rằng không thể chữa được.
- Mẹ yêu quý, mẹ đừng lo... Con rất mệt, thế thôi! - Genka chưa bao giờ trả lời mẹ dịu dàng như vậy.
Thực sự, cậu chỉ đơn giản không muốn, không thể nghe những gì hôm nay bố sẽ nói, khi mẹ mở cửa đón bố.
Tác giả: Anatoly Aleksin (1924-2017)
Người dịch: Dương Nguyên Khải.