(SKTE) Hiện nay, một số cơ sở thẩm mỹ ở Hà Tĩnh chưa được cấp phép hoạt động khám, chữa chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn thực hiện quảng cáo và nhận khách hàng để cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân.
Qua ghi nhận cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay đang xảy ra tình trạng một số cơ sở thẩm mỹ dù chưa được cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn thực hiện quảng cáo và nhận khách hàng để thực hiện cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn.
Sở Y Tế gặp khó khăn trong việc xử lý các cơ sở trái phép
Tại Hà Tĩnh, người dân dễ dàng tìm thấy các thông tin về các cơ sở spa quảng bá các dịch vụ thẩm mỹ với những lời lẽ “có cánh” trên các nền tảng như Facebook, zalo … với các dịch vụ đúng tâm lý của nhiều người như hút mỡ, nâng mũi, nâng cung chân mày, trị sẹo lồi lõm, cắt mí, tiêm file, tiêm filler, botox, điều trị nám, tàn nhang… bằng các phương pháp điều trị laser, tẩy lông bằng laser, điều trị bằng thuốc chích như Botox, thắt chặt trẻ hóa da...
Không ít người phải giật mình bởi lẽ dù tại Hà Tĩnh, Sở Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thực hiện phẫu thuật xâm lấn nào… thế nhưng, các cơ sở hoạt động trái phép thường lấy những tên nghe khá uy tín như viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, hospital, linic,… rồi ngang nhiên công khai quảng cáo, đăng tải các clip, hình ảnh, nội dung phẫu thuật thẩm mỹ tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí để dụ dỗ, tạo niềm tin cho khách hàng các cơ sở này còn quảng bá là có các chuyên gia về da liễu tư vấn, xây dựng phác đồ điều trị cụ thể.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Sở Y tế cho biết, một vấn đề lớn khó giải quyết là sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt thì các cơ sở này lại thay đổi tên, hình thức đăng ký kinh doanh để hoạt động song thực chất bên trong vẫn theo những hình thức cũ, người cũ.. Khi cơ quan chức năng có thẩm quyền đến kiểm tra thì hầu hết không có chủ cơ sở, còn nhân viên tại đây thì luôn trả lời theo một công thức “mới đi làm được 1 - 2 ngày nên không biết”. Nếu các cơ sở này nắm được thông tin có Đoàn thanh tra liên ngành thì tẩu tán cơ sở rất nhanh.
Theo đó, các cơ sở như spa, massage, hớt tóc, gội đầu hành nghề không phép với nhiều hình thức núp bóng để thuận lợi hoạt động khiến người dân và cả cơ quan quản lý nhiều khi cũng không kiểm soát hết được. Ngoài ra, các cơ sở còn cố tình dùng tên trong giấy đăng ký kinh doanh để đưa vào tên biển hiệu, dù không được cấp giấy phép khám, chữa bệnh nhưng các “thẩm mỹ viện” này vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, giảm giá “sốc”, để “câu” khách hàng. Không chỉ vậy, nhiều chủ cơ sở Spa có trường hợp chưa học xong cấp hai nhưng xưng là bác sĩ chuyên khoa rồi khám, tư vấn, chỉ định xét nghiệm cho khách hàng.
Chia sẻ với báo giới, cơ quan chức năng nhận định, mặc dù đã có quy định xử phạt vi phạm về hành vi quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động (Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo), nhưng để xác định được nội dung quảng cáo đó do cá nhân, tổ chức nào thực hiện thì rất khó.
Cụ thể, trong quá trình Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tại các cơ sở thì đa số đều khẳng định rằng nội dung quảng cáo trên mạng xã hội không phải do bên cơ sở thực hiện. Ngay tại thời điểm đó, các Đoàn thanh tra cũng không phát hiện dấu hiệu thực hiện quảng cáo các dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ có xâm lấn của biển hiệu được treo tại các cơ sở này để xử phạt. Vì vậy, đây là bước khó khăn của Đoàn thanh tra trong việc xác định hành vi vi phạm về quảng cáo qua mạng xã hội.
Qua thực tế các đợt kiểm tra đột xuất của Đoàn thanh tra cho thấy, công tác quản lý, xử lý đối với các cơ sở thẩm mỹ vẫn còn đang gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, từ 1/1/2024, theo quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 thì các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động không cần phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế như trước đây.
Chính vì vậy, việc quản lý các cơ sở này gặp khó khăn vì chưa có quy định cụ thể các cơ sở này thuộc ngành nào quản lý cho nên ngành Y tế không có thẩm quyền kiểm tra. Hơn nữa hoạt động thẩm mỹ có xâm lấn tại các cơ sở này hoạt động lén lút và cảnh giác cao.
Sở Y Tế cùng Chính quyền mạnh tay xử lý các cơ sở trái phép
Trước thực trạng này, Sở Y tế Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất và may mắn phát hiện một vài cơ sở vi phạm cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn khi chưa được cấp phép hoạt động. Hai cơ sở vi phạm này đã bị xử phạt hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế cũng như các kênh thông tin khác để người dân được biết.
Cơ sở thẩm mỹ viện Casa, địa chỉ số 165, đường Lý Tự Trọng, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Các lỗi vi phạm được Sở Y Tế phát hiện là: hoạt động có biển hiệu nhưng không có đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật (3 cơ sở); thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết (2 cơ sở); niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh (2 cơ sở); sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (tiêm dưới nách) làm thay đổi khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (1 cơ sở).
Cơ sở thẩm mỹ viện Casa, địa chỉ số 165, đường Lý Tự Trọng, phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh
Dù không được cấp phép nhưng cơ sở dịch vụ Thẩm mỹ Mậm Spa vẫn quảng cáo, thậm chí thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn và ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay. Đáng chú ý, ngay sau khi báo chí thông tin, cơ sở này đã nhanh chóng ẩn hoặc gỡ các Clip, hình ảnh, thông tin quảng cáo sai quy định.
Cơ sở dịch vụ Thẩm mỹ Mậm Spa, địa chỉ tại số 138 Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Đồng thời, Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh, thì các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân; khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình thay đổi các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế tổ chức dưới hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa được cấp phép thực hiện các dịch vụ này.
Về phía Sở Y Tế Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới Sở sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan ngành để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý mạnh các cơ sở có hành vi vi phạm liên quan đến cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn khi chưa được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Y Tế trực tiếp chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật về điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn. Công khai các cơ sở đã được cấp phép hoạt động về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh để người dân biết và lựa chọn. Đặc biệt Sở Y Tế cũng khuyến cáo người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bằng việc thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn tuyệt đối không đến các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Theo Sở Y Tế, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện trên địa bàn đều không được Sở Y tế cấp phép hoạt động dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn. Nếu có nhu cầu, cần đến các cơ sở đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép theo hình thức là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám đa khoa và bệnh viện được phê duyệt các kỹ thuật về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm sẽ an toàn và đáng tin cậy hơn.
“Để xảy ra tình trạng này, trước hết là do ý thức không chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề y ngoài công lập của các chủ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp. Nhận thức và hiểu biết của một bộ phận người dân trong việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn còn hạn chế”. Bác sỹ Lê Chánh Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - Nguyễn Minh Đức cũng khuyến cáo đến mọi người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ để làm đẹp hoặc khắc phục các khiếm khuyết trên cơ thể thì hãy đến các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép theo hình thức là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám đa khoa và bệnh viện được phê duyệt các kỹ thuật về phẫu thuật thẩm mỹ. Không nên tin vào các lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội; không sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, Spa chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn để tránh mang phải hậu quả “tiền mất tật mang”.
Cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh, Bộ Y tế, Sở Y tế đã phê duyệt một số danh mục kỹ thuật về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ kèm theo giấy phép hoạt động cho 4 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân.