Hàng loạt video giáo viên hành xử bạo lực học sinh
Mới đây, qua trích xuất đoạn camera (dài 10 phút) tại lớp 1B, Trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá), một em học sinh lớp 1 đã bị cô giáo của mình dùng tay đánh vào người để lại vết rách ở tai và vết bầm tím ở lưng. Qua trích xuất camera trong lớp học, phụ huynh của em học sinh này phát hiện không chỉ có 1 mình em mà nhiều học sinh khác cũng bị xoắn tai, đánh vào đầu, vào lưng.
Anh T.Đ.H, bố của cháu T.P.N ở khu phố 4, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn rất bức xúc sau khi xem xong đoạn video. Trong quá trình giảng bài cho học sinh, cô T. tay chống nạnh đi lại trong lớp, có hành vi đánh học sinh vào đầu, vào lưng và xoắn tai. Học sinh trong lớp có dấu hiệu căng thẳng, lo âu, sợ hãi trong giờ học. Theo anh H., đây là dấu hiệu của một kiểu bạo lực học đường, cần phải xử lý nghiêm minh để tình trạng này không còn tái diễn nữa.
Sau sự việc, ngày 30/10, bà Võ Đào Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, UBND thị xã Bỉm Sơn vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên T. để chờ các bước xử lý theo quy định.
Trước đó vào tháng 3/2024, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin phản ánh về việc học sinh Hoàng Minh Q. tại Trường Tiểu học Ngọc Minh (TP. Hà Giang) bị thầy giáo đánh gây thương tích, khiến dư luận bức xúc.
Ngay sau vụ việc, Trường Tiểu học xã Ngọc Minh đã phối hợp với gia đình đưa học sinh đến khám tại Bệnh viện Đức Minh, thành phố Hà Giang. Kết quả khám cho thấy, hiện tại học sinh Q. không bất thường trên nội sọ trên CT-Scanner sọ não. Phù nề phần đỉnh trái.
Theo xác minh, trong sáng 13/3, vào giờ học môn chính tả, do học sinh không viết được bài nên ông Nguyễn Thế N (giáo viên chủ nhiệm lớp 2A) đã dùng que tre nhỏ đánh 3 - 4 cái vào đầu học sinh này.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên chỉ rõ hành vi của ông N. (giáo viên chủ nhiệm lớp 2A) đã vi phạm quy định đạo đức nhà giáo và quy định về hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên trong điều lệ trường tiểu học. Thầy Nguyễn Thế N. cũng bị yêu cầu viết bản tường trình toàn bộ sự việc, kiểm điểm lại bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trường Tiểu học Ngọc Minh tại TP. Hà Giang (Ảnh: Báo Nhân dân)
Trước đó, tháng 10/2023, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo giáo viên đánh học sinh ở lớp 1/1 gãy ngón tay.
Theo đó, sự việc xảy ra ngày 4/10. Khi đi học về đến nhà, nghe con than bị đau tay, chị T. - phụ huynh lớp 1/1 - quan sát thì thấy tay bên phải của con có hiện tượng sưng. Gặng hỏi thì bé nói là bị cô giáo đánh. Sau khi vụ việc xảy ra, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM đã ra quyết định kỷ luật cô S. có thời hạn 12 tháng vì có hành vi chưa chuẩn mực, gây thương tích cho học sinh.
Có thể thấy, sau hàng loạt các video thầy, cô giáo bạo lực học sinh được phát tán trên mạng xã hội, những gì diễn ra bên trong một số lớp học - nơi được coi là không gian học tập lý tưởng, lại xảy ra những câu chuyện đau lòng, gây ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của ngành giáo dục.
Vấn nạn bạo lực học đường đã và đang để lại nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý của học sinh ở mọi độ tuổi. Những em là nạn nhân của bạo lực học đường có thể mang theo tâm lý tự ti, sợ hãi suốt cuộc đời và thật đáng buồn khi có những giáo viên hành xử không đúng mực, thậm chí có thể nói là cực đoan, gây nên nỗi khiếp sợ cho những học trò nhỏ.
Bàn tay phải của học sinh M.K được băng bó (Ảnh: SKĐS).
Bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Bạo lực học đường nói chung và bạo lực giữa giáo viên với học sinh nói riêng khá phổ biến và đáng lên án. Những vụ việc như vậy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân mà còn gây xôn xao dư luận, khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng, làm mất đi nét văn hóa truyền thống, đạo đức con người.
Dưới góc độ pháp lý, khoản 1 Điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên quy định, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Bên cạnh đó, không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Cần phải khẳng định, việc giáo viên đánh học sinh là hành vi phản giáo dục, trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng quy định, tùy theo tình chất và mức độ của hành vi vi phạm mà giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật khiển trách. Trường hợp giáo viên đánh học sinh đã bị cảnh cáo rồi mà vẫn tái phạm thì sẽ bị buộc thôi việc hoặc lần đầu đánh học sinh nhưng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng sẽ bị buộc thôi việc. Đồng thời, trong quy định tại Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP giáo viên sẽ phải nộp phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng và xin lỗi công khai người bị hại.
Với các trường hợp hợp nặng hơn, nếu bạo lực học đường để lại những thương tích nặng nề, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung và sửa đổi năm 2017) cho biết, với tội “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác”, tùy vào phần trăm tổn thương cơ thể nạn nhân, mà người gây ra sẽ phải thụ án tù giam từ 6 tháng cho đến 20 năm tù.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, không thể chỉ dựa vào một giải pháp riêng lẻ mà cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng. Việc đầu tư vào các giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn so với việc chỉ xử lý khi vấn đề đã xảy ra.
Cần ứng dụng kỷ luật tích cực trong giáo dục
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cia sẻ rằng, trong thời gian vừa qua, dù đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực học đường nhưng công tác phòng, chống bạo lực học đường vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở quản lý, các cấp giáo dục.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Việc xử phạt hành vi bạo lực học đường chỉ dừng lại việc kỷ luật, khiển trách, đuổi việc các đối tượng, mà không đi vào các vấn đề cốt lõi. Đó chính là nhà trường đóng vai trò “then chốt”, quan trọng trong việc ngăn ngừa, phát hiện các nguy cơ xấu ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.
Ngoài ra, những vụ việc bạo lực học đường hiện nay chỉ thực sự được phát hiện và xử lý quyết liệt khi các các hình ảnh, video được phát tán rộng rãi.
Điều đó cho thấy, nhà trường một lần nữa cần phải rà soát, thiết lập lại kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt và bạo lực ở trường. Nhà trường phải thiết lập một quy trình trong đó có những phương thức thuận lợi để mọi người có thể khiếu nại về những hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực ở trong nhà trường, sau khi tiếp nhận thông tin về bạo lực thì sẽ xử lý thế nào.
Song song đó, cần tổ chức các khóa đào tạo để trang bị cho giáo viên và phụ huynh những kiến thức, kỹ năng cần thiết về quản lý lớp học theo hướng tích cực và xây dựng mối quan hệ sư phạm - học sinh dựa trên nền tảng tôn trọng và yêu thương.
“Để tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện, cần có những chương trình đào tạo cho phụ huynh và giáo viên về các phương pháp giáo dục tích cực, đồng thời đưa các giá trị nhân văn như yêu thương, tôn trọng vào quy định của nhà trường, từ lớp học đến các hoạt động khác”, TS. Trần Thành Nam nhấn mạnh.