(SKTE) - Theo chuyên gia chống độc, các bộ phận như da, trứng, gan, mật của cóc chứa chất độc bufotoxin cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Người dân không ăn trứng, gan, mật của cóc để tránh bị ngộ độc.
Tử vong vì ăn thịt cóc
Gần đây, một số người thương vong vì ăn thịt cóc và bị ngộ độc. Mới nhất, ngày 19/11, cháu Y.T.N. (11 tuổi, trú xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) tự làm thịt cóc, nấu lên rồi cho em gái (5 tuổi) cùng ăn.
Sau khi ăn, 2 anh em N. bị ngộ độc, biểu hiện khó thở, tím tái và được người thân phát hiện, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, N. tử vong, em gái của N ngộ độc nặng.
Theo chuyên gia chống độc, TS. Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa, nhiều trường hợp ngộ độc nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, tử vong do việc sử dụng thịt cóc làm thực phẩm. Dù thịt cóc được biết đến là nguồn dinh dưỡng tốt, nhưng nếu không chế biến đúng cách, các bộ phận chứa độc tố của cóc có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, các bộ phận như: da, trứng, gan, mật của cóc có chứa chất độc bufotoxin cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Chuyên gia chống độc khuyến cáo
"Để tránh ngộ độc thịt cóc và các hậu quả đau lòng, người dân không tự chế biến thịt cóc tại nhà vì việc sơ chế đòi hỏi kỹ thuật cao. Hãy ưu tiên các thực phẩm an toàn và dễ chế biến hơn để bảo vệ sức khỏe. Tuyệt đối tránh ăn gan, mật, da, trứng hoặc bất kỳ phần nào của cóc mà không được xác định là an toàn. Nếu không chắc chắn về an toàn thực phẩm, không nên mạo hiểm sử dụng thịt cóc.
Nếu đã ăn thịt cóc mà có các biểu hiện: nôn mửa, co giật, khó thở, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Sức khỏe và tính mạng của mỗi người là vô giá. Đừng vì những thông tin không chính xác về tác dụng của thịt cóc mà mạo hiểm", TS. Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo.