Trong ba nhiệm kỳ giữ chức Tổng Bí thư, một nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành nhiều tình cảm đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Bằng những Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã, đang và sẽ luôn thực hiện các chính sách tốt nhất để chăm sóc sức khoẻ con người Việt Nam, khoẻ mạnh về thể lực và trí lực, những con người xã hội chủ nghĩa – Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển, hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh.
“Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng”
Tổng Bí thư trò chuyện với các cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện K nhân kỷ niệm 58 nă ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/7/1955- 27/7/2013. Ảnh: Trần Minh
Với mục tiêu chung là “bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số.”[1]. Với cương vị là người lãnh đạo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lễ Kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2013), ngày 26/2/2013, khi đến thăm và chúc mừng cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện K (cơ sở III – Tân Triều, Hà Nội) và Bệnh viện Nhi Trung ương, đồng chí đã khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng.
Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) chỉ rõ: nâng cao tính công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế quốc gia. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến. Đặc biệt, coi trọng tăng cường dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người bị di chứng chiến tranh, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội[2].
Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới, khẳng định: sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Đến ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Nghị quyết xác định, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản. Đảng ta xác định tập trung nguồn lực cho các đối tượng yếu thế trong xã hội với mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 15%, dưới 1 tuổi xuống còn 10%. Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Trong quá trình lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bận nhiều công việc quan trọng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đã trực tiếp góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực y tế ra sức cùng toàn bộ hệ thống chính trị chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Nhân dân có sức khỏe tốt thì dân tộc ta mới phát triển trường tồn, đất nước mới cường thịnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản chân chính, thấm nhuần quan điểm quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, nhất là con người mới – con người trong xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người[3]”.. Từ một xã hội mà sự phát triển thực sự vì con người, thông qua các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đã cố gắng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Nhân dân có sức khỏe tốt thì dân tộc ta mới phát triển trường tồn, đất nước mới cường thịnh. Đây cũng là kim chỉ nam cho những người làm trong ĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Mong muốn của Tổng Bí thư cũng như của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới[4]… sẽ được bắt đầu bằng “xây dựng” những Con người xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền," xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc, đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.
Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều khó khăn, thách thức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nên việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, cần có đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, y bác sĩ,.. giỏi chuyên môn, tận tâm với công việc, tận hiến với nghề.
Quan điểm của Tổng Bí thư về chăm sóc sức khỏe nhân dân, đã thể hiện văn hoá quý báu của dân tộc ta là nhân đạo, yêu thương nhau. Việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Tổng Bí thư và toàn dân tộc.
[1] Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb: Chính trị quốc gia.
[3] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)