 |
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại hội thảo |
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết ngày 09/01/2023, Quốc hội Khoá 15 đã ban hành Luật số 15/2023/QH15 Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Trên cơ sở Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ngày 30/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh; ngày 31/12/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, Thông tư phát sinh một số bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi.
Theo đó, Ban Soạn thảo đề xuất sửa đổi bảy nội dung cụ thể:
1. Văn bằng chuyên môn của người nước ngoài: Hiện chưa có hệ thống đối chiếu tương đương giữa văn bằng chuyên môn nước ngoài và khung trình độ quốc gia 8 bậc của Việt Nam. Một số văn bằng không ghi rõ chuyên khoa hoặc thuộc chuyên ngành không tồn tại trong hệ thống đào tạo tại Việt Nam, như chuyên khoa thần kinh cột sống hoặc y học tự nhiên, gây khó khăn trong việc thẩm định điều kiện hành nghề.
2. Đăng ký hành nghề: Các quy định về đăng ký hành nghề cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc cấp phép hành nghề cho các chuyên gia y tế.
3. Điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Cần xem xét lại các điều kiện hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là việc xếp hạng cơ sở, để phù hợp với thực tế tránh gây khó khăn cho các đơn vị y tế.
4. Thực hành đối với bác sĩ chuyên khoa: Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung chương trình, thời gian thực hành, cũng như nơi được phép tổ chức thực hành cho bác sĩ chuyên khoa, dẫn đến khó khăn trong việc cấp phép hành nghề.
5. Hồ sơ thủ tục cấp giấy phép hành nghề: Đề xuất bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép trong các trường hợp thay đổi chức danh hoặc khi hồ sơ không còn đủ điều kiện, nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hành nghề y.
6. Thu hồi, đình chỉ, xử phạt người hành nghề: Cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các trường hợp thu hồi, đình chỉ hoặc xẻ phạt người hành nghề, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và uy tín ngành y.
7. Các vấn đề khác: Bao gồm việc phân quyền định giá dịch vụ khám chữa bệnh cho HĐND cấp tỉnh trong trường hợp Bộ Y tế chưa ban hành giá, nhằm đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Tại hội thảo, TS Hà Anh Đức cũng đã đưa ra một số trường hợp cần thống nhất nội dung chuyên môn như: người đứng đầu bộ phận chuyên môn, có cần toàn thời gian làm việc tại bộ phận đó hay không. Ví dụ trường hợp, người hành nghề toàn thời gian của phòng khám đa khoa, là người phụ trách bộ phận chuyên môn của phòng khám nhi, nhưng lại là người hành nghề của phòng khám nội có được không…
Đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện, 1 ekip gồm bác sĩ, điều dưỡng, lái xe… có thể đăng ký tối đa bao nhiêu xe cứu thương (dự phòng trường hợp hư hỏng, sửa chữa…) để đảm bảo cơ sở có thể thay thế.
Trường hợp cơ sở chỉ thực hiện vận chuyển người bệnh đơn thuần (không cấp cứu, chở về nhà…) có nên bổ sung quy định riêng cho loại hình này để thuận tiện trong việc quản lý hay không.
Đồng thời, cần phải quy định rõ về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cấp cứu ngoại viện.
Đối với hồ sơ thủ tục cấp giấy phép hành nghề, Bộ Y tế cho biết, cần bổ sung quy định về việc thu hồi các giấy phép hành nghề trong trường hợp cấp mới do thay đổi chức danh (hoặc quy định theo hướng nộp lại giấy phép hành nghề vào thành phần hồ sơ).
Đồng thời, bổ sung trường hợp thu hồi giấy phép hành nghề trong trường hợp hồ sơ không còn đủ điều kiện; bổ sung trường hợp xử lý đối với việc giả mạo giấy phép hành nghề.
Ban Soạn thảo cho biết dự kiến trong tháng 6/2025 dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 96/2023/NĐ-CP sẽ được trình Chính phủ để ban hành, giúp các đơn vị triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định, Thông tư một cách có hiệu quả, chất lượng, đúng các quy định của pháp luật.