Sức khỏe

Sinh viên đại học là 'thế hệ bông tuyết', 'sơ hở là trầm cảm'?

 

Không khó để bắt gặp những bình luận chê trách, phê phán các bạn trẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Pexels.

Không khó để bắt gặp những bình luận chê trách, phê phán các bạn trẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Pexels.

“Mỗi lần mình khóc, mình lại bị người nhà chê là yếu đuối, ‘có thế mà cũng khóc’. Nhưng không một ai hiểu mình chịu áp lực gì, không ai quan tâm mình đang cảm thấy như thế nào”.

Đó là những chia sẻ của L.A., sinh viên đại học tại Hà Nội. Mỗi lần nhắc đến những vấn đề bản thân đang gặp phải, tâm trạng của nữ sinh lại tệ đi. Nhiều lần, nữ sinh muốn chia sẻ với mọi người về tình trạng của mình, nhưng cô lại sợ mình sẽ phải nhận về những lời bình luận như “yếu đuối”, “bông tuyết”...

Người trẻ yếu đuối, dễ vỡ?

Những năm gần đây, khái niệm “bông tuyết” không còn quá xa lạ với người dùng mạng xã hội. Khái niệm này thường được dùng để chỉ những người được cho là yếu đuối, dễ suy sụp, không chịu được áp lực hoặc nghịch cảnh…

Trên các diễn đàn, hội nhóm, mỗi khi có bài viết liên quan việc người trẻ bị tổn thương trước những vấn đề trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những bình luận chê trách, phê phán các bạn trẻ.

Thường xuyên lướt mạng xã hội và đọc được những bình luận tiêu cực về điều này, L.A. lại thấy ấm ức vì thế hệ trẻ đang bị nhìn dưới góc nhìn quá phiến diện. Nữ sinh nói người lớn vẫn thường chê thế hệ trẻ yếu đuối, nhưng chưa mấy ai thực sự có cái nhìn khách quan và hiểu các bạn đang phải trải qua những điều gì.

L.A. lấy ví dụ về trường hợp của bản thân. Ngay từ nhỏ, nữ sinh đã phải chịu áp lực học tập rất lớn vì gia đình luôn kỳ vọng cô phải đạt thành tích tốt giống anh trai. Điều này vô hình trung khiến A. cảm thấy mệt mỏi, vì cô biết bản thân không học giỏi bằng anh của mình.

Dù nhiều lần nói với gia đình, A. vẫn bị ép học đến mức sợ học và dần trở nên khó kiểm soát cảm xúc. Mỗi lần như vậy, cô lại bị chê trách là yếu đuối, “có mỗi việc học mà cũng không xong”.

“Mình bé hơn anh trai 12 tuổi. Gia đình hay nói là tại sao mình không thể đạt điểm số như anh mình. Nhưng mọi người không hiểu là chương trình học của trước đây và bây giờ khác nhau. Học sinh ngày trước phải nỗ lực 5, thế hệ bọn mình bây giờ phải nỗ lực 10”, A. tâm sự.

Không đến mức gặp vấn đề tâm lý như L.A. nhưng Hồ Trang, sinh viên tại Hà Nội, cũng nhiều lần cảm thấy vỡ vụn vì loạt áp lực trong cuộc sống.

Hiểu rõ xuất phát điểm của bản thân không bằng bạn bè cùng trang lứa, Trang buộc phải cố gắng nhiều hơn trong việc học và làm thêm. Nhiều ngày, nữ sinh chỉ có thể ngủ 3-4 giờ vì việc học và làm thêm chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày.

Ngoài áp lực học tập, công việc, Trang còn gánh thêm một loại áp lực khác là áp lực đồng trang lứa. Nữ sinh luôn cảm thấy bản thân kém cỏi hơn bạn bè. Chính điều này khiến cô luôn mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, từ đó ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe tinh thần.

Nhiều người cho rằng quan điểm người trẻ ngày nay là

Nhiều người cho rằng quan điểm người trẻ ngày nay là "thế hệ bông tuyết" chỉ là cái nhìn chủ quan. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Người trẻ cần được tôn trọng cảm xúc

Trao đổi về quan điểm gọi người trẻ ngày nay là "thế hệ bông tuyết", Trương Vĩ (sinh viên năm cuối tại TP.HCM) cho rằng đây chỉ là cái nhìn chủ quan, nhiều người áp đặt quan điểm cũ để xem xét các vấn đề của người trẻ hiện nay.

Nhắc về lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay bị coi là thế hệ mỏng manh, yếu đuối, Trương Vĩ cho rằng người trẻ cũng gặp nhiều áp lực, nên xuất hiện vấn đề về sức khỏe tâm lý. Có thể kể đến như áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt trong học tập, tài chính, kỳ vọng gia đình, công việc, yêu cầu cao hơn từ xã hội và sự không chắc chắn về tương lai.

Vĩ lấy ví dụ ở thế hệ đi trước, nhân viên đi làm chỉ cần biết tin học văn phòng là đã có lợi thế. Nhưng ngày nay, người trẻ đối mặt với nhiều kỳ vọng hơn. Muốn có công việc tốt, họ phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, có ngoại ngữ, học ngành này nhưng phải biết thêm ngành khác…

Ngoài áp lực, ngày nay, người trẻ cũng không ngần ngại bộc lộ cảm xúc thật và tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết các vấn đề về tâm lý. Vì vậy, họ bị coi là những người yếu đuối, sức chịu đựng kém, nhạy cảm quá mức khi đối diện với sự phản đối.

Đồng quan điểm, Đàm Minh (sinh viên năm hai tại Hà Nội) cũng cho rằng không thể đánh đồng cả một thế hệ đều là “bông tuyết".

Nhiều áp lực từ gia đình, xã hội, áp lực đồng trang lứa có thể khiến người trẻ có tâm lý sợ thất bại, không dám đối diện với thực tế, điểm số thấp không nằm trong từ điển của họ…

Minh cho rằng thế hệ trước, nhất là bố mẹ, không nên áp đặt tư tưởng của mình lên con cái, phải có sự thông cảm, định hướng nhưng luôn tôn trọng quyết định của con. Ngược lại, bản thân người trẻ cũng cần trao đổi tích cực, bày tỏ quan điểm nhưng cũng cần tôn trọng quan điểm của thế hệ trước để dung hòa.

Cũng nói thêm về việc người trẻ bị chê yếu đuối, dễ vỡ, Hồ Trang cho rằng thực tế thế hệ nào cũng chịu những áp lực nhất định. Nhưng riêng với Gen Z - thế hệ đang bước vào tuổi trưởng thành, các bạn phải chịu những áp lực mới và nặng nề hơn do thời đại đang thay đổi từng ngày.

Trên các trang mạng, nhiều người nói người trẻ “sơ hở là kêu ca”, “sơ hở là trầm cảm”, Trang cho rằng lời nhận xét này chưa đúng. Nữ sinh tin rằng thế hệ nào cũng gặp phải vấn đề tâm lý và sức khỏe tinh thần, nhưng Gen Z khác thế hệ trước, họ dám đối diện, nhìn nhận và nói ra những vấn đề đó. Việc chia sẻ, nói lên những vấn đề đang gặp phải cũng là cách để các bạn trẻ tìm cách giải quyết cho chính bản thân mình.

“Bọn mình nói bọn mình tổn thương, bọn mình vỡ vụn, không phải vì bọn mình yếu đuối hơn thế hệ trước, mà chỉ là bọn mình muốn được chia sẻ, cảm thông và tôn trọng. Bọn mình có những áp lực riêng và vẫn đang cố gắng để giải quyết từng ngày, mình mong mọi người sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với những điều mà bọn mình đang gặp phải”, nữ sinh chia sẻ.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất