Công tác y tế còn nhiều khó khăn, hạn chế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế.
Dù vậy, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, cải cách hành chính…
Đặc biệt, trong năm, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng, các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát, chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; trọng tâm là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…
"Bộ Y tế tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế. Cán bộ y tế toàn ngành nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục.
Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở y tế đã được phân bố rộng khắp nhưng tiếp cận các bệnh viện trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao (số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023). Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng 3 năm gần đây không đạt 90%. Các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng, quản lý tại cộng đồng còn thấp.
Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời. Việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề.
Vì thế, tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2024; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp
Theo Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, trong năm, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tính đến ngày 30/11, toàn ngành (tại trung ương và địa phương) đã kiểm tra gần 355.000 cơ sở, phát hiện hơn 22.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm khoảng 6%.
Cụ thể, đã xử lý hơn 9.000 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền hơn 6.600 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng. Số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt.
Báo cáo giám sát của 40 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, tổng số mẫu giám sát hơn 18.000 mẫu, không đạt 526 mẫu (2,9%).
Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố.
Trong 11 tháng, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 4.800 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người.
Trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ), 6 vụ liên quan đến hóa chất, 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.