Tham dự buổi lễ có: TS.Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (Hội CTTETTVN); Phó TBT tạp chí Sức khỏe trẻ em Nguyễn Văn Minh; các đồng nghiệp như Thày thuốc ưu tú-bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai; Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh)…; cùng đông đảo đại diện chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ và đồng hành cùng Trung tâm trong chặng đường vừa qua.
Chủ tịch Ngô Sách Thực (thứ 6 bên phải) thay mặt Hội CTTETTVN trao tặng Giám đốc Vũ Thị Phương Hiền (thứ 7 bên trái) bức phướn với 6 chữ vàng "Chuyên nghiệp-Sáng tạo-Phát triển". Tại buổi lễ, ông Thực còn trao bằng khen của Hội cho 6 cô giáo có thành tích giảng dạy xuất sắc, và 30 phần quà cho các em học sinh của Trung tâm Hy Vọng.
Trung tâm Hy Vọng là cơ sở can thiệp đầu tiên cho trẻ đặc biệt được thành lập tại Tp. Chí Linh vào năm 2009. Từ tiền thân ban đầu là Lớp tình thương chỉ với 5-6 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đến nay Trung tâm Hy Vọng đã trở thành một trong những cơ sở hàng đầu của tỉnh Hải Dương về can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển như tự kỷ, tự kỷ tăng động, chậm nói, nói ngọng, gặp khó khăn về giao tiếp, khó khăn về học tập… với số lượng học sinh theo học khoảng 70-100 em mỗi năm. “Sự thiệt thòi của các em cũng đặt lên vai chúng tôi trách nhiệm nặng nề để giúp các em hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi đã mang đến cho các em những tri thức đơn giản, gần gũi với cuộc sống đời thường. Đôi khi những tri thức đó không có trong sách vở nhưng rất cần thiết cho các em trong cuộc sống hàng ngày” – Giám đốc Vũ Thị Phương Hiền cho biết.
Đến nay, trung tâm đã giúp trên 1.000 trẻ khuyết tật ra học hoà nhập tại các trường tiểu học, trung học cơ sở. Hàng năm tỷ lệ tốt nghiệp đạt 75%, trong đó 20% đạt kết quả cao về các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, 50% học sinh khi ra học hòa nhập đã phá bỏ rào cản, tự tin tham gia các hoạt động chung, nhiều em tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Trung tâm còn tổ chức được các lớp đào tạo nghề làm tranh đá quý và nghề may cho các em. Nhiều em sau này đã tìm được việc làm ổn định để tự lập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các vị khách mời cùng giám đốc và các cô giáo của Trung tâm Hy Vọng cắt bánh và hát bài “Happy Birthday”
Cháu Nguyễn Đình Đức Phúc (4 tuổi) bị tăng động. Sau khi cháu học can thiệp hơn 1 năm với kết quả tiến bộ, gia đình đã cho cháu ra học hòa nhập ở trường mẫu giáo nhưng thứ Bảy hàng tuần vẫn cho cháu đến trung tâm để học bán trú. “Các cô dạy cháu cách giao tiếp, kỹ năng sống một cách tâm huyết. Cháu đã thuộc hết bảng chữ cái và biết đếm đến 50. Bố mẹ cháu không thể tin được con mình lại tiến bộ như thế. Cháu đã bớt nghịch ngợm và chú tâm vào học” – chị Vũ Thị Quyên phấn khởi cho biết.
Cách đây 8 năm, khi đến với Trung tâm Hy Vọng, cháu Đặng Vũ Trọng Nghĩa lúc đó 4 tuổi được chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ, yếu cơ, chưa đi được và chưa biết nói. “Các cô đã giúp cháu phục hồi chức năng vận động và dạy nói, dạy đọc, dạy viết. Nay cháu đã đi được, đã biết đọc biết viết, giao tiếp gần như các bạn bình thường và rất thích chỗ đông người” – chị Ngô Thị Hoài rất tin tưởng cho con tiếp tục học ở trung tâm.
Cháu Đặng Vũ Trọng Nghĩa đã đi được, biết đọc biết viết và giao tiếp gần như các bạn bình thường.
“Ban đầu tôi còn nghi ngờ không biết nơi đây có dạy được cháu mình không. Sau khi đi tham quan và thấy cách dạy bài bản, tôi đã yên tâm cho cháu đến đây học. Sau 6 tháng học, cháu hiện đã nói được thành câu dài” – ông nội cháu Nguyễn Bảo Nhi là Nguyễn Trọng Tấn vui mừng cho biết, các cô giáo rất nhiệt tình, chăm sóc học trò như con cái của mình ở nhà.
“Tôi luôn cảm nhận được sự đam mê, nhiệt huyết của chị Phương Hiền đối với các con và đồng nghiệp. Cô luôn thổi bùng lên ngọn lửa đam mê ấy cho chúng tôi, khích lệ chúng tôi mỗi ngày một cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn, sáng tạo hơn để dạy dỗ các con ngày càng tiến bộ, để con đường hòa nhập của các con bớt chông gai” – chị Chu Thị Lan, một giáo viên đã gắn bó với trung tâm suốt 15 năm qua, nhận xét về người vừa là đồng nghiệp vừa là giám đốc trung tâm.
Vì những thành tích trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm Hy Vọng đã vinh dự đón nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Hội CTTETTVN (6 năm liền), bằng khen của Quỹ Hỗ trợ Sen Hồng năm 2014 và 2016.
Các sinh viên của Đại học Sao Đỏ và Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương – những người thường xuyên đến trung tâm để cùng chơi, giúp các em nhỏ học chữ, học vẽ và học kỹ năng – cũng đến chia vui với trung tâm.
Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá, Trung tâm Hi Vọng là một trong những đơn vị tiêu biểu của Hội CTTETTVN thực hiện tốt 4 nhiệm vụ của cơ sở thuộc Hội, đó là: thứ nhất, phối hợp khám, tư vấn, phát hiện sớm; thứ hai, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật; thứ ba, dạy chữ, dạy ngôn ngữ, kỹ năng sống; thứ tư, hướng nghiệp dạy nghề. “Trung tâm là địa chỉ tin cậy để phụ huynh tin tưởng gửi gắm các con em và giúp đỡ các cháu ngày càng tiến bộ, tự lập, hòa nhập với cộng đồng. Hoạt động của trung tâm đã thắp sáng ước mơ của các cháu, ước mơ bình dị những rất cao đẹp – mơ ước làm được những việc như người bình thường” – ông Thực biểu dương và chúc mừng những thành tích của Trung tâm Hy Vọng.
"Chúng tôi sẽ mạnh dạn sáng tạo, đổi mới dựa trên nền tảng khoa học, nêu cao tinh thần đoàn kết và tăng cường liên kết, hợp tác với các nhà chuyên môn trong và ngoài nước để tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai" - bà Vũ Thị Phương Hiền khẳng định niềm tin vào hành trình mới để kiến tạo, chinh phục những đỉnh cao mới, tạo nên những mốc son mới cho Trung tâm Hy Vọng.
Bài và ảnh: Nguyên Khải