Thứ Bảy, 16/11/2024 16:29 (GMT+7)

1/4 số trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam là do đẻ non tháng, nhẹ cân

(SKTE) - Ngày 16/11, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thành phố Bắc Ninh, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức Lễ míttinh Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non năm 2024.
Ảnh đại diện tin bài

Các đại biểu tham gia mittinh hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non. Ảnh: baobacninh.vn

Các đại biểu tham gia mittinh hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non. Ảnh: baobacninh.vn

Ngày 17 tháng 11 hàng năm, thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non. Đây là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến trẻ sinh non và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ sơ sinh.

Chủ đề năm nay, "Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp và hành động vì tương lai của các em", kêu gọi tất cả chúng ta cùng nhau hành động để tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ cho các trẻ sinh non.

Giảm tỷ lệ sinh non cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng

Trẻ sinh non, tức là những em bé được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ, thường gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ trẻ sinh non đang gia tăng trên toàn cầu, và các em bé này có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về hô hấp, hệ thần kinh và tiêu hóa.

Hiện nay, mỗi năm trên thế giới và tại Việt Nam có hơn 13 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non). Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, 1/4 số trẻ sơ sinh tử vong là do đẻ non tháng, nhẹ cân.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần giảm thiểu nguy cơ sinh non, đồng thời đẩy mạnh các hỗ trợ can thiệp, cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ sinh non, giúp trẻ được sống khỏe mạnh, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, Bộ Y tế phát động triển khai trên toàn quốc Tháng cao điểm hành động vì trẻ sinh non từ ngày 01 - 30/11/2024.

Phát biểu tại Lễ míttinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, thực hiện hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề chính cần quan tâm đặc biệt là: sự khác biệt khoảng cách về sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền; tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển.

Để giảm tỷ lệ trẻ đẻ non, nhẹ cân, góp phần giảm tử vong trẻ sơ sinh, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi sự phối hợp của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chung tay của toàn thể cộng đồng, ý thức và thực hiện chăm sóc sức khỏe của phụ nữ có thai; cùng với sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông, đến việc chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và chăm sóc, điều trị cho trẻ sinh non toàn diện.

Việc chăm sóc trẻ sinh non không chỉ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh mà còn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, các tổ chức y tế, và chính phủ. Mỗi hành động nhỏ như cung cấp thông tin, hỗ trợ tài chính, hay thậm chí chỉ đơn giản là chia sẻ câu chuyện của những gia đình có trẻ sinh non đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp và hành động vì tương lai của các em

Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể cần triển khai đồng bộ các hoạt động sau:

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo phụ nữ khi mang thai có sức khỏe tốt nhất.

- Các phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.

- Cần sinh con theo kế hoạch, đảm bảo theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày).

- Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung: dinh dưỡng, tránh các chất kích thích; giảm stress,…

Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp Can thiệp (Chăm sóc trẻ sơ sinh) như sau:

- Chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

- Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế

Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non là cơ hội để chúng ta cùng nhau hành động, lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ. Hãy cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng cho các em, để mỗi trẻ sinh non đều có cơ hội phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.

0
Bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật mới giải quyết bế tắc niệu quản cho trẻ sơ sinh
Bệnh viện đầu tiên thực hiện kỹ thuật mới giải quyết bế tắc niệu quản cho trẻ sơ sinh

Bé trai 1 tháng tuổi có dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, thận niệu quản đôi gây ứ nước thận vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng kỹ thuật nội soi trên xương mu luồn kim vào giải quyết tình trạng bế tắc niệu quản thành công. Đây là kỹ thuật mới đòi hỏi tay nghề cao, dụng cụ chuyên dụng. Tại Việt Nam hiện mới chỉ có Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện.

Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết
Trữ loại thuốc gì cho kỳ nghỉ Tết?

Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều đồ ăn, thức uống… nhưng cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng khi có vấn đề về sức khỏe xảy ra trong kỳ nghỉ Tết.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam