Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sốt xuất huyết còn là gánh nặng xã hội. Sau điều trị, nhiều trẻ em và người lớn rơi vào tình trạng mệt mỏi kéo dài, rối loạn chức năng thần kinh, cần phục hồi chức năng lâu dài. Gia đình người bệnh cũng bị gián đoạn thu nhập, tăng chi phí điều trị và chăm sóc.
Trước đó, tại buổi tọa đàm sức khỏe cộng đồng với chủ đề “Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ” tổ chức tại TP.HCM ngày 26/7, do Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh bảo trợ thông tin và phối hợp tổ chức cùng Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức, các chuyên gia y tế nhấn mạnh: phòng bệnh chủ động là biện pháp bền vững, hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại Tọa đàm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh kêu gọi cộng đồng không trông chờ vào riêng ngành y tế, mà từng cá nhân cần hành động thiết thực, như: loại bỏ vật chứa nước đọng quanh nhà, ngủ mùng cả ban ngày, dùng kem chống muỗi đúng cách và đặc biệt là chủ động nhận biết sớm dấu hiệu bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời.
Còn Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: “Sốt xuất huyết không chỉ là cơn sốt thoáng qua. Nếu không theo dõi sát, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề. Hãy là tấm khiên đầu tiên bảo vệ con cái và gia đình khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm”.
Công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa Khoa Vạn Phúc, TP. HCM. Ảnh: TĐ
Thời điểm hiện tại, Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, cúm mùa, COVID-19, trong khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh Dengue sinh sôi. Đây là thời điểm “dịch chồng dịch” dễ xảy ra, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế và làm tăng nguy cơ tử vong.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo và lưu ý người dân: “đừng nhầm lẫn cúm với sốt xuất huyết! Đừng để sự chủ quan đánh đổi bằng tính mạng”. Phát hiện sớm – điều trị đúng, phòng ngừa chủ động chính là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước vòng xoáy dịch bệnh đang bủa vây.