 |
Cẩn trọng với các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội |
Thời gian gần đây, khi mức sống được nâng lên, các bậc phụ huynh có xu hướng mua sữa ngoại cho con sử dụng ngày một nhiều. Từ đó, việc đưa các loại sữa sản xuất ở nước ngoài về bán trong nước ngày càng phổ biến. Được ưa chuộng nhất là các dòng sữa Nhật, Pháp, Đức, Anh, Mỹ… Đặc điểm chung của sản phẩm "xách tay" là trên bao bì không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tất cả thông số, thông tin ghi trên sản phẩm đều bằng tiếng của nước sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phụ huynh cho con sử dụng sữa "xách tay" chưa chắc là sự lựa chọn đúng đắn. Những loại sữa này được người bán trên mạng xã hội quảng cáo là "được người thân mua tại nước ngoài gửi về", "có hóa đơn thanh toán tại siêu thị và tem mác đầy đủ". Chủ gian hàng liên tục đăng tải sản phẩm mới với lời chào mời "Tiếp viên nhà em hôm nay đi Nhật, ngày mai đi Hàn Quốc… ai có nhu cầu mua sữa thì đăng ký", hình ảnh kệ sữa được niêm yết giá bằng tiền Yên (Nhật Bản) hoặc USD (Hoa Kỳ)… Những lời mời chào như thế rất dễ gây cảm tình với người tiêu dùng. Các loại sữa này được bán với giá cao hơn sữa được sản xuất trong nước.
Chị Trần Thị Trúc Mai (TP. Châu Đốc) cho biết: “Trước đây, tôi nghe giới thiệu và đã tìm mua sữa “xách tay” của Nhật Bản. Không đọc được tiếng Nhật, nên tôi không phân biệt được hàng thật và hàng giả. Mặc dù uống nhiều, con tôi không cải thiện được tình trạng thiếu dinh dưỡng, lại còn khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Từ đó, tôi nói không với sữa ngoại bán trên mạng xã hội”.
Chị Lê Thị Như Ý (TP. Long Xuyên) chia sẻ: "Tôi từng mua phải một loại sữa bột được quảng cáo là hàng xách tay từ New Zealand. Chỉ vì tin lời quảng cáo, tôi chi hơn 1,5 triệu đồng mua 2 hộp sữa để dành cho con uống. Nhưng ngay sau khi uống, con tôi có triệu chứng nôn ói. Tôi gọi điện cho nhân viên bán hàng, may là họ nhận thu hồi sản phẩm. Sau này, tôi không dám mua sữa của hãng nước ngoài bán trên mạng xã hội cho con uống nữa”.
Với người cao tuổi có bệnh nền mạn tính, bệnh liên quan đến xương khớp, việc sử dụng sữa bột đang được ưu tiên, nhằm tăng khả năng phục hồi, điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa giả đối với người khỏe mạnh có thể dẫn đến loãng xương, rối loạn chuyển hóa, thậm chí là ngộ độc, thì với người bệnh, sự nguy hại càng khó lường. Bà Nguyễn Thị Hai (65 tuổi, ngụ huyện Châu Phú) bị loãng xương và một số bệnh liên quan đến xương khớp. Ngoài điều chỉnh chế độ ăn, bà tìm mua thêm sữa bột uống.
“Coi quảng cáo trên mạng xã hội, thấy loại nào tốt cho sức khỏe thì tôi chọn mua thôi. Đến nay, tôi sử dụng hết 3 hộp sữa bột. Ban đầu, uống có chút tiến triển về sức khỏe, sau lại thấy cơ thể đau mỏi chân, tay và vai gáy, cũng chỉ nghĩ là dấu hiệu của tuổi già. Khi con gái ở xa về thăm, nó phát hiện loại tôi thường dùng thuộc nhãn hiệu sữa giả bị công bố”.
Sự phát triển, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ em mỗi khu vực sẽ khác nhau. Sữa dành cho trẻ của Nhật Bản, Pháp… chưa chắc phù hợp thể trạng, nhu cầu của trẻ em Việt Nam. Đó là chưa kể nguồn gốc của sữa "xách tay" là hàng nhập lậu, rất dễ bị làm giả. Do đó, người tiêu dùng nên đề nghị cửa hàng cung cấp giấy tờ chứng minh hàng chính ngạch được cấp phép, hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện nguồn gốc đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Cần mua ở địa chỉ uy tín, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.