Ảnh minh họa. Nguồn: WFP
Báo cáo với nhan đề “Khảo sát thế giới về vai trò của phụ nữ trong phát triển năm 2024” đã chỉ ra rằng khoảng cách giới tính ngày càng gia tăng trong bảo vệ xã hội khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ rơi vào cảnh nghèo đói hơn.
Dù mức độ bảo vệ xã hội đã tăng lên kể từ năm 2015, song khoảng cách giới trong phạm vi bảo hiểm lại đang gia tăng ở hầu hết các khu vực đang phát triển, cho thấy những cột mốc gần đây có lợi cho nam giới nhiều hơn nữ giới.
Theo báo cáo, bất chấp những tiến bộ đạt được, hơn 63% phụ nữ trên toàn thế giới sinh con mà không được hưởng chế độ thai sản, con số này là 94% ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Việc thiếu hỗ trợ tài chính trong thời gian nghỉ thai sản không chỉ khiến phụ nữ gặp bất lợi về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ cũng như con cái họ, kéo dài tình trạng nghèo đói qua nhiều thế hệ.
Hội đồng chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng đề cập tới thực tại khắc nghiệt về bản chất giới của đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ quá lớn trong số người nghèo ở mọi giai đoạn của cuộc đời, với khoảng cách lớn nhất là trong những năm sinh nở.
Phụ nữ trong độ tuổi 25 - 34 có khả năng sống trong các hộ gia đình cực kỳ nghèo cao hơn 25% so với nam giới trong cùng nhóm tuổi. Xung đột và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng này.
Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận Chính sách Chương trình và Liên chính phủ của UN Women, bà Sarah Hendriks khẳng định “tiềm năng của bảo vệ xã hội đối với bình đẳng giới, khả năng phục hồi và chuyển đổi là rất lớn.”
Theo đó, thế giới cần tập trung vào phẩm giá, quyền tự quyết và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở mọi giai đoạn của quá trình, từ xây dựng chính sách tới chương trình đến thực hiện và hỗ trợ.
Hội đồng chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, kêu gọi các chính phủ cung cấp cho phụ nữ và trẻ em gái những con đường thoát nghèo một cách bền vững, bằng cách ưu tiên nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các biện pháp bảo vệ xã hội và ứng phó với khủng hoảng của họ.
UN Women được thành lập vào tháng 7/2010 theo Nghị quyết 64/289 của Đại hội đồng LHQ, là một phần của chương trình cải tổ LHQ nhằm thúc đẩy nhanh mục tiêu của LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nỗ lực chống lại sự phân biệt, kỳ thị đối với phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm sự công bằng giữa phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực phát triển, nhân quyền cũng như trong các hoạt động nhân đạo, hòa bình và an ninh.
Việt Nam là thành viên của Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.
|