Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 đã bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.
Thực hiện Kế hoạch số 833/KH-BYT ngày 20/6/2025 của Bộ Y tế về hành động cao điểm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.
 |
Thời gian qua, Khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tiếp nhận điều trị nhiều bện nhân. (Ảnh: H.Lê/DT). |
Theo đó, lãnh đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác truyền thông trong cơ sở khám, chữa bệnh: Tăng cường các biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi, website, fanpage ...) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 để có biện pháp phòng lây nhiễm phù hợp. Ưu tiên truyền thông cho nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và những người chăm sóc những đối tượng trên.
Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 phù hợp.
Trong công tác khám bệnh, thu dung, điều trị, thực hiện tốt công tác khám bệnh, thu dung bệnh nhân, điều trị, cấp cứu kịp thời người bệnh, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người bệnh điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...), giảm thiểu tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Chỉ định nhập viện điều trị nội trú hợp lý, theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đối với những ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.
Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đúng quy định, không để xảy ra các ổ dịch trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện nghiêm việc báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 29/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
 |
Cán bộ, nhân viên y tế, cơ quan chức năng kiểm tra giám sát ở điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng tại một hộ gia đình. (Ảnh: HCDC) |
Đối với tình hình bệnh sốt xuất huyết, trong thời gian qua, Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 8/7/2025, cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (ghi nhận 36.276 ca và 6 ca tử vong), số mắc giảm 11,2%, tử vong giảm 1 trường hợp.
Tuy nhiên, hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh phát triển. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,4%.
Theo ông Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), thông tin cho biết: trong thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng tại các địa phương nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách quyết liệt và đồng bộ.
Theo dõi nhiều năm qua cho thấy, số ca mắc thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12. Đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn – từ khoảng 5 năm một đợt trước đây, nay còn khoảng 3–4 năm.
Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000. Vì vậy, theo ông Võ Sơn Hải cho rằng, nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 là hoàn toàn có thể xảy ra.
 |
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống sốt xuất huyết...(Ảnh: BYT) |
Hiện Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình và cũng đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là đối với những nơi có số ca mắc cao – cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài.
Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh -ông Võ Hải Sơn, nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi mỗi gia đình hãy dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thau rửa, đậy nắp các bể nước, thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng.
Đồng thời cần thay nước lọ hoa thường xuyên, nhỏ muối hoặc hóa chất vào các bát nước kê chân chạn, bể cảnh hoặc hòn non bộ; loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ không sử dụng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển”.