|
Thuốc lá điện tử với bề ngoài bắt mắt. |
Thuốc lá điện tử có những thành phần gì ?
Bác sĩ Hoàng Thị Bích Ngọc - Bệnh viện Đa khoa Việt Đức (Phú Thọ) cho biết, gần như không thể biết đến thành phần có trong tinh dầu thuốc lá điện tử do có rất nhiều chủng loại, xuất xứ cũng khác nhau và có cả những trường hợp pha trộn nhiều loại lại với nhau.
Thông thường một số chất đã được tìm ra trong thuốc lá điện tử gồm:
Propylene Glycol: Thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu, có thể gây kích ứng phổi và mắt, gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; giãn phế quản.
Glycerin: Một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Chúng ta vẫn chưa biết được điều gì sẽ xảy ra nếu người hút một lượng lớn các loại hóa chất này trong thời gian dài.
Chất tạo mùi: Hiện nay các hãng sản xuất không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là "bí mật thương mại". Theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard mới đây thì 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các hạt nhỏ và kim loại: Người ta tìm thấy cả các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân.
Diethylene Glycol: một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông.
Ngoài ra, khi làm nóng, tinh dầu bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc…
Thuốc lá truyền thống cũng có chứa các hạt bụi nhỏ này và có thể gây ra các tổn thương mạch máu, viêm, các hiệu ứng thần kinh,.... Mật độ các hạt bụi trong thuốc lá điện tử là tương tự như thuốc lá thật.
Những nguy cơ của thuốc lá điện tử là không thể đoán trước
|
Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe đã được nghiên cứu |
Theo bác sĩ Ngọc, một số loại thuốc lá điện tử còn chứa nicotine - chất gây nghiện được đưa vào nhằm tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn. Vậy nên nếu sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài cũng có thể gây nghiện cho người sử dụng.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: Hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu.
Đầu năm 2024, ở Việt Nam hiện đã phát hiện 2 ca lâm sàng nghi ngờ tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (EVALI).
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 32 tuổi, nhập viện do đột ngột khó thở và cảm giác tức ngực. Người bệnh cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu và được chẩn đoán: Theo dõi sốc tim, viêm cơ tim cấp, tổn thương thận cấp. Sau đó, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM trong tình trạng nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng hơn. Tại đây, người bệnh được đặt nội khí quản và thở máy.
Trước đó, người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây người bệnh mua và sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn trước. Trước khi nhập viện, người bệnh có đi chơi đêm trong một quán bar, hút thuốc lá điện tử suốt cả đêm. Đến gần sáng, xuất hiện nôn mửa, mệt mỏi và phải nhập viện.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam, 17 tuổi, nhập viện do đột ngột khó thở, đau ngực, choáng váng. Người bệnh được cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Trước đó, người bệnh này hoàn toàn khỏe mạnh, ngừng hút thuốc lá điện tử được một năm. Hút trở lại khoảng 2-3 tháng nay với liều lượng tăng gấp đôi so với bình thường, thậm chí hút kết hợp cùng với thuốc lá điếu thông thường. Trước khi nhập viện, người bệnh chơi game và hút thuốc lá điện tử liên tục trong phòng điều hòa.
"Qua 2 ca bệnh trên, ban đầu khi tiếp nhận, có thể chỉ nghĩ đến bệnh lý nội khoa. Sau khi khai thác tiểu sử mới biết người bệnh hút thuốc lá điện tử.Hút thuốc lá điện tử trong phòng kín, hay phòng điều hòa là yếu tố làm cho bụi mụn trong khói thuốc dễ đi vào sâu phế nang, phổi hơn khiến người bệnh bị EVALI (tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử).
EVALI là bệnh nguy hiểm, tất cả người bệnh đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất 2 tháng", bác sĩ Bích Ngọc thông tin.
Triệu chứng của EVALI xuất hiện hàng giờ, hàng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt. Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương.
“Hút thuốc lá điện tử phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước. Mối nguy từ thuốc lá điện tử thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội”, bác sĩ đưa ra khuyến cáo.