Để làm rõ hơn ý nghĩa Dự án phi lợi nhuận “Sống tích cực - Trưởng thành trong hạnh phúc”, chúng tôi có buổi trò chuyện với Thạc sĩ Ngô Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống KT Edu. - Đơn vị chủ trì Dự án.
|
Thạc sĩ Ngô Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống KT Edu (bên phải) trong buổi thực hiện dự án. Ảnh: trường THCS Lê Lợi |
Thưa bà, điều gì đã thôi thúc bà và các cộng sự quyết định thực hiện dự án “Sống tích cực - Trưởng thành trong hạnh phúc”?
Động lực lớn nhất khiến dự án này được ra đời là sự trăn trở về khoảng trống trong nhận thức và kỹ năng sống của giới trẻ hiện nay. Chúng tôi nhận ra, bên cạnh việc học kiến thức trên lớp, các em rất cần được trang bị kỹ năng ứng phó với cuộc sống, từ những tình huống nhỏ đến các áp lực tâm lý lớn hơn.
Trong quá trình làm việc tại các trường học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, những câu chuyện đau lòng đã dần được hé lộ, do các em chưa có kỹ năng giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, một nhóm học sinh chơi đùa gần cống nước thủy lợi, khi một bạn bị ngã xuống nước, một số bạn không biết phải làm gì, có bạn thì gọi người lớn và thậm chí còn cười đùa. Điều này khiến người lớn hiểu lầm rằng đó là trò nghịch ngợm, dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.
Hay một câu chuyện khác còn xót xa hơn, có hai học sinh đã nhắn tin rủ nhau nhảy cầu mà không hề ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này.
Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo, không chỉ về sự thiếu hụt kỹ năng mềm mà còn về trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đồng hành cùng các em.
Dự án này ra đời với mong muốn không chỉ trang bị cho học sinh kỹ năng sống mà còn giúp các em hiểu về giá trị bản thân, xây dựng tinh thần sống tích cực, biết cách nuôi dưỡng tình bạn đẹp và trưởng thành trong niềm hạnh phúc thực sự. Chúng tôi hy vọng, qua các buổi chia sẻ và hoạt động thực tế, các em sẽ có thêm hành trang vững chắc để đối mặt với những thử thách và vượt qua những cảm tiêu cực trong cuộc sống.
Theo bà, sống tích cực là như thế nào, và làm thế nào để trưởng thành trong hạnh phúc, khi hạnh phúc của mỗi người là khác nhau?
Đúng vậy, hạnh phúc của mỗi người không giống nhau, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Vì thế, dự án này được thiết kế riêng cho các bạn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hạnh phúc của các bạn cấp 1 thường đơn giản hơn, nhưng ở cấp 2 và cấp 3, áp lực bắt đầu xuất hiện rõ rệt.
Với “sống tích cực,” chúng tôi muốn các bạn học cách nhìn nhận vấn đề theo hướng nhẹ nhàng hơn, phân tích được cái được và cái mất. Ví dụ, nếu bị thầy cô nhắc nhở vì chưa học bài, hãy hiểu đó là trách nhiệm của mình và rút kinh nghiệm, thay vì tự trách hoặc đổ lỗi.
Còn “trưởng thành trong hạnh phúc” ở đây không phải là một khái niệm quá xa xôi. Đó là việc các bạn dám nhận lỗi khi sai để sửa đổi biết nói lời cảm ơn, biết trân trọng thầy cô, cha mẹ, bạn bè đã giúp đỡ mình. Những bạn sống tích cực thường sẽ có nhiều bạn bè hơn, cuộc sống lúc nào cũng vui vẻ hơn. Nhưng nếu chọn cách sống tiêu cực, các bạn sẽ tự thu mình lại, tạo nên rào cản với thầy cô, bạn bè, khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
Điều chúng tôi mong muốn là giúp các bạn hiểu rằng hạnh phúc không phải điều gì xa xỉ. Đó là cách các bạn biết trân trọng và kết nối với mọi người xung quanh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
|
Học sinh mạnh dạn chia sẻ cảm xúc. |
Bà mong muốn mang lại điều gì cho các bạn học sinh khi triển khai dự án?
Trước khi triển khai Dự án “Sống tích cực - Trưởng thành trong hạnh phúc” tại các trường học, chúng tôi đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của học sinh. Với sự tự tin vào cách tiếp cận độc đáo, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi gợi sự cởi mở và đồng cảm trong tâm hồn mỗi học sinh.
Chúng tôi không dùng cách tiếp cận thông qua những câu chuyện lấy nước mắt. Thay vào đó, các em sẽ được khuyến khích để tự kể những câu chuyện của mình. Đó là lúc các em tự thổ lộ, tự giải tỏa, và bắt đầu hành trình hiểu chính mình.
Hiệu quả của cách làm này được minh chứng qua sự tham gia đông đảo và giàu cảm xúc của cả học sinh và giáo viên. Nhiều thầy cô chia sẻ rằng họ chưa từng nghĩ học sinh của mình sẽ mở lòng và có nhiều vấn đề đến vậy. Những buổi trò chuyện không chỉ giúp các em đối diện với cảm xúc mà còn xây dựng nhận thức rõ ràng về giá trị cuộc sống.
Điều khiến chuyên đề trở nên đặc biệt là thông điệp xuyên suốt: “Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa, trừ việc tổn hại đến sinh mệnh của bản thân.” Đây chính là giá trị cốt lõi mà tôi và cộng sự muốn lan tỏa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi những trào lưu tiêu cực như tự tử hay livestream hành động dại dột đang gia tăng trong giới trẻ.
Đích đến của chúng tôi là không còn những câu chuyện đau lòng như thế xảy ra. Chúng tôi mong muốn các em học sinh, dù ở bất kỳ nơi đâu, đều có thể hiểu rõ giá trị bản thân, biết cách sống tích cực và ứng phó tốt hơn với những áp lực trong cuộc sống.
|
Học sinh THCS Lê Lợi, thành phố Bắc Giang hào hứng lắng nghe những chia sẻ trong buổi giao lưu. |
Trong quá trình thực hiện dự án, bà gặp phải những khó khăn, trở ngại nào?
Mặc dù dự án "Sống tích cực - Trưởng thành trong hạnh phúc" đã đạt được nhiều thành công ngay từ khi triển khai tại các trường, nhưng tôi và các cộng sự không ít lần phải đối mặt với những thử thách trong suốt quá trình thực hiện.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà đội ngũ thực hiện chương trình gặp phải là vấn đề về địa lý. Chúng tôi dự tính sẽ đến những vùng sâu, vùng xa hơn như là: Tuyên Quang. Tuy nhiên, đây là một thử thách không nhỏ, khi quỹ thời gian và phương tiện di chuyển bị hạn chế. Đôi khi phải thức dậy từ 2h - 3h sáng để kịp có mặt tại trường vào đầu giờ sáng của các trường, và một số trường hợp còn phải đối mặt với điều kiện khó khăn cơ sở vật chất..
Tuy vậy, những khó khăn đó, chúng tôi đã biến thành động lực để luôn đề cao và giữ thái độ cầu tiến, hướng các em học sinh vào những điều thuận lợi và tích cực trong cuộc sống. Điều này được minh chứng qua sự tham gia nhiệt tình của các học sinh, trong suốt thời gian chương trình. Đôi khi thời tiết không thuận lợi, nhưng các em vẫn hăng say tham gia và mong muốn chương trình kéo dài thêm. “Khi chúng tôi hỏi liệu các em có sẵn sàng ngồi thêm một giờ nữa không, tất cả đều đồng thanh trả lời có”, bà chia sẻ với niềm hạnh phúc.
Trong quá trình thực hiện dự án có những câu chuyện, kỷ niệm nào khiến bà ấn tượng và ghi nhớ nhất không?
“Đi đâu, tôi cũng thấy các em học sinh có quá nhiều nỗi niềm mà chẳng biết chia sẻ cùng ai” bà Tiên mở đầu bằng giọng nói trầm lắng.
Tôi đã có cơ hội lắng nghe một nữ sinh cấp hai, sống trong cảnh bố mẹ ly hôn, người mẹ đi xa, còn người cha tái hôn. Những tổn thương đẩy em đến bờ vực tự tử. Nhưng sau buổi trò chuyện của tôi, em đã thay đổi. Em nhắn tin cho tôi, kể rằng mình bắt đầu học cách yêu thương em cùng cha khác mẹ, suy nghĩ tích cực hơn, và cảm nhận được giá trị cuộc sống.
Ở một trường chuyên, một học sinh giỏi cũng đứng lên, nghẹn ngào: "Em cảm thấy mình không xứng đáng học ở đây, vì chỉ được 8,5 trong khi bạn bè toàn 9,5, 10." Điều đó khiến em học sinh đó ngày càng lo âu. Những kỳ vọng, so sánh đã vô tình đẩy các em vào những áp lực khổng lồ mà người lớn đôi khi không để ý. Qua buổi trò chuyện cùng tôi và các thầy cô, em đã vượt qua áp lực, trở thành một học sinh tự tin, năng động.
Những câu chuyện ấy khiến tôi và cả thầy cô của trường nhận ra rằng, đôi khi chỉ một chút thấu hiểu từ gia đình, nhà trường, cũng đủ để giúp các em tìm lại niềm tin và trân trọng cuộc sống.
|
Bà Ngô Thị Kim Tiên chụp ảnh lưu niệm cùng với giáo viên trường THCS Lê Lợi, Bắc Giang. |
Thưa bà xin bà cho biết những định hướng tiếp theo của dự án?
Với những thành công ban đầu đạt được từ dự án “Sống tích cực - Trưởng thành trong hạnh phúc”, tôi và các cộng sự không chỉ dừng lại mà còn đang nỗ lực mở rộng và lan tỏa dự án ra phạm vi rộng hơn.
Hiện tại, chúng tôi đang hướng tới việc nhân rộng mô hình này, đặc biệt là tại các trường ở miền Bắc. Dù địa lý có xa xôi đến đâu, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đến với những học sinh cần sự hỗ trợ này. Đây là một quyết tâm mạnh mẽ trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi tình trạng tiêu cực và những hành động dại dột của học sinh, đặc biệt là những hành vi bỏ nhà đi hay tự làm tổn thương bản thân, đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Trong quá trình thực hiện chương trình, chúng tôi luôn kiên định với giá trị cốt lõi: sinh mệnh là điều quý giá nhất. Mọi hoạt động, nội dung trong chuyên đề đều tập trung nhấn mạnh thông điệp: tất cả mọi sai lầm đều có thể sửa chữa, trừ việc gây tổn hại đến sinh mạng. Đây là điều không thể làm lại, và mọi sự tổn thương đối với bản thân đều để lại hậu quả không thể thay đổi.
Chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp sâu sắc này đến các bạn trẻ, nhắc nhở rằng dù cuộc sống có khó khăn hay sai lầm xảy ra, hãy trân trọng và bảo vệ sinh mạng – món quà vô giá mà mỗi người chỉ có một lần trong đời.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ đầy bổ ích từ thạc sĩ Ngô Thị Kim Tiên!