Triển khai Kế hoạch “Tặng quà trẻ em khuyết tật thành phố” nhân dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chiều 17-1, đoàn công tác của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực Bùi Văn Tuấn dẫn đầu đã đến Trung tâm Hy vọng (số 4A ngách 82/189 ngõ 290 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) và Trung Tâm Phúc Tuệ (số 66 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), trực tiếp trao quà của các em nhỏ đang được chăm sóc, dạy dỗ tại nơi đây.
Tại Trung tâm Hy vọng, đoàn công tác đã trao 50 suất quà tiền mặt (mỗi suất 1 triệu đồng) cùng các phần quà bánh kẹo, sữa tặng các em nhỏ và tập thể Trung tâm. Là một cơ sở ngoài công lập phải lo tự chủ về mọi mặt, nhưng Trung tâm này đã có hành trình gần 25 năm chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, tự kỷ, down, viêm màng não… Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, giáo dục 50 trẻ khuyết tật nặng. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện, sinh viên, học sinh các trường Đại học, THPT, THCS trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm thường xuyên tạo những sân chơi nho nhỏ như hướng dẫn các con tập vẽ tranh, nặn tượng, tập thể dục, tập bóng đá, tập hát múa... Nhiều trẻ sau khi được chăm sóc, giáo dục tại Trung tâm đã có thể tự thực hiện nhiều kỹ năng trong cuộc sống sinh hoạt cá nhân, phát triển khả năng ngôn ngữ.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Bùi Văn Tuấn trao quà tại Trung tâm Hy vọng.
Ảnh: Mai Hoa
|
Tại Trung tâm Phúc Tuệ, đoàn công tác đã trao 23 suất quà tiền mặt (mỗi suất 1 triệu đồng) và các phần quà bằng hiện vật (bánh kẹo, sữa) cho các em nhỏ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Đây là một trong những trung tâm đầu tiên nhận nuôi dưỡng và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật trí tuệ tại Hà Nội, góp phần “tiếp sức” cho các mảnh đời thiệt thòi. Tại đây, các em nhỏ được chăm sóc về dinh dưỡng, được dạy yoga, massage, dạy kỹ thuật thủ công, được khám bệnh trị liệu, được dạy vẽ, làm thơ…
Với sự vào cuộc của các giáo viên, cán bộ, nhân viên Trung tâm và các tình nguyện viên, các học sinh thuộc nhóm tự kỷ, rối loạn phát triển được dạy kỹ năng sống, khơi dậy các giác quan (chủ yếu phối hợp tay mắt), phát triển ngôn ngữ, phối hợp hoạt động toàn thân. Các học sinh còn lại được dạy văn hóa cơ bản như tập viết, tập chép, tập đọc, trả lời câu hỏi qua truyện tranh, tập đếm, nhận biết tiền, làm toán lớp 1 đến lớp 3. Đặc biệt, một số tình nguyện viên nước ngoài cung cấp nhiều hiện vật sáng tạo, giúp học sinh dễ tiếp thu, hào hứng tham gia vừa chơi vừa học.
Hiện nay, một số trẻ tự kỷ đã có tiến bộ về hành vi, ngôn ngữ, có tiến bộ về kỹ năng sống và nhận biết. Một số trẻ thuộc diện khuyết tật trí tuệ, nay cũng bước đầu có tiến bộ về cả nhận thức và hoạt động. Qua đó, góp phần trợ giúp trẻ em khuyết tật về trí tuệ và thể chất được giáo dục đầy đủ, hòa nhập cộng đồng xã hội ngày càng tốt hơn.