Đây là câu chuyện "vượt cửa tử" đầy cam go của cậu bé 12 tuổi, sau khi vỡ ổ dị dạng động tĩnh mạch tuỷ cổ, xuất huyết não, ngừng tim, hôn mê sâu, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi biến chứng... Và là hành trình hồi sinh diệu kỳ, "phép mau"chữa bệnh cứu sống cho người bệnh, từ trái tim và tấm lòng của những y bác sĩ - người thầy thuốc Bạch Mai.
Giữa những tất bật, hối hả tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, đã có những khoảnh khắc khiến tất cả các y bác sĩ, cán bộ y tế lặng người, vỡ oà hạnh phúc. Ngày cậu bé Nguyễn Khánh Nguyên (12 tuổi, quê ở Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã tỉnh dậy, sau gần hai tuần hôn mê sâu. Đó là một phép màu, sự sống, lời chào "diệu kỳ" gửi đến tập thể các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh lý hiếm gặp và biến cố sức khỏe bất ngờ...
Được biết, Nguyễn Khánh Nguyên là một cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi. Hơn hai năm trước, khi chơi thể thao, con thường có hiện tượng mệt nhiều, chóng mặt. Thời điểm đó, khi cho con đi kiểm tra thăm khám, gia đình nghĩ đơn giản chỉ là biểu hiện sinh lý tuổi dậy thì. Không ai ngờ trước chẩn đoán dị dạng động tĩnh mạch (AVM) tuỷ cổ bẩm sinh, vị trí C1- C3, một căn bệnh hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm.
 |
Gia đình rất bàng hoàng và xót xa khi biết tin bé con bị bệnh nặng. Qúa trình điều trị phải sử dụng rất nhiều thiết bị y tế, máy móc để hỗ trợ chữa trị cho con. (Ảnh: Gđ&BVCC) |
Nhận tin như một "tiếng sét ngang tai", người bố của em là anh Nguyễn Việt Hà - cũng là một bác sĩ ngoại khoa, hiểu hơn ai hết mức độ nghiêm trọng và những nguy cơ của căn bệnh mà con mình phải đối mặt trong tương lai. Bệnh lý đã hiếm gặp, vị trí lại càng hiếm, phức tạp và nguy hiểm. “Gia đình đã đưa con đi thăm khám nhiều nơi, phần lớn đều khuyên theo dõi, giữ gìn, tránh vận động mạnh bởi tỷ lệ can thiệp chỉ 50 - 50, thậm chí không ai nói trước điều gì có thể xảy ra”. - bố của em tâm sự.
Nỗi âu lo, ngổn ngang luôn thường trực khi biến cố bỗng dưng ập đến, nhưng không ai trong gia đình có thể nghĩ rằng, biến cố lại xảy ra nhanh đến vậy.
Trước đó, chiều ngày 17/2/2025, không có dấu hiệu báo trước, cậu bé Nguyên đột ngột nằm gục xuống, mất ý thức, tim ngừng đập, khi đang chơi với bà ở nhà. Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, sau khi nhập cấp cứu rất khẩn trương, các y bác sĩ đã tái lập lại tuần hoàn nhưng con đã rơi vào hôn mê sâu, phổi phù nặng, huyết áp tụt, suy hô hấp nặng phải thở máy...
Hình ảnh chụp não của cháu bé cho thấy, xuất huyết quanh cuống não và não thất IV do vỡ AVM tuỷ cổ, một tình huống vô cùng nguy kịch, thách thức mọi giới hạn của y học. Cháu bé Khánh Nguyên được chuyển tuyến ngay sau đó đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để khẩn trương điều trị và theo dõi.
Chạy đua với tử thần và Phép màu sự sống
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi là cháu Khánh Nguyên nhanh chóng được đặt máy theo dõi áp lực nội sọ, hạ thân nhiệt trung tâm đảm bảo hạn chế tổn thương, lọc máu. Ngày 18/2/2025, tình trạng suy hô hấp, phù phổi của con vẫn chưa được cải thiện, thậm chí nguy hiểm hơn cả tình trạng áp lực nội sọ tăng cao trước đó, cũng như vấn đề xuất huyết não. SpO2 của con giảm thấp, nguy cơ tổn thương não lớn. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã liên hệ hội chẩn khẩn với Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai (ở Hà Nội).
Dưới sự hội chẩn và chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS. Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, đã quyết định: phương án hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (VV-ECMO) được chỉ định triển khai ngay, đảm bảo duy trì sự sống cho bệnh nhi trước khi chuyển về Bạch Mai.
Điều đáng nói, chạy ECMO cần phải dùng thuốc chống đông, theo đó sẽ thúc đẩy việc chảy máu não của cháu bé Khánh Nguyên. Trước bài toán cân não, các y bác sĩ đã chọn: đánh cược với cơ hội mong manh này, tất cả để cứu chữa cho bệnh nhi.
Hành trình cuộc sống đã trở về mỗi ngày
Khi chuyển về BV Bạch Mai (ngày 19/2 sau đó), cháu Nguyên được kết nối điều trị với hàng loạt thiết bị y tế, chằng chịt trên người: Máy thở, ECMO, máy theo dõi áp lực nội sọ..., cùng với các tổn thương: phổi phù nặng, viêm phổi biến chứng ARDS, xuất huyết não ở vị trí thân não, tiên lượng là rất nặng.
Cậu bé nằm lặng im giữa hàng loạt tiếng máy móc, tín hiệu sinh tử nhấp nháy.
“Nhìn dây thiết bị y tế đầy người con, trái tim tôi thắt lại xót xa, ánh mắt chưa bao giờ rời khỏi các máy đo chỉ số. Thương con và thực sự có những lúc, chúng tôi đã từng lo buồn đến tột cùng vì tưởng đã mất con. Giờ kể lại tôi vẫn không giấu nổi bồi hồi xúc động. Sự tận tình, bền bỉ của các bác sĩ, bạn bè đồng nghiệp đã nuôi hi vọng, tiếp thêm niềm tin cho gia đình”. - anh Nguyễn Việt Hà, bố của Nguyên nghẹn ngào chia sẻ.
 |
Tập thể ê-kíp các y bác sĩ đã nỗ lực hết sức, tất cả để điều trị, chữa bệnh, cứu sống cho cháu bé bệnh nhi. (Ảnh: BVCC) |
Trước ca bệnh của cháu Nguyên, hội chẩn toàn viện đã đưa ra chiến lược điều trị toàn diện: Kiểm soát phù não, điều trị ARDS, chống nhiễm khuẩn, kiểm soát thân nhiệt, đồng thời đề xuất can thiệp nút mạch AVM - một quyết định táo bạo giữa muôn vàn rủi ro.
“Buổi chiều ngày 21/2 căng thẳng đến nghẹt thở”, anh Hà nhớ lại. Nhưng chỉ sau hơn một giờ, PGS.TS. Vũ Đăng Lưu từ Trung tâm Điện Quang (BVĐK Bạch Mai) bước ra với nụ cười và giọng trầm ấm: “Can thiệp đã thành công.” Nụ cười ấy như ánh nắng ấm áp xuyên qua, xoá tan màn đêm u ám, thắp lửa hạnh phúc, hy vọng cho gia đình của em nhỏ.
Đây là ca can thiệp có mức độ rủi ro rất cao do vị trí AVM nằm sâu vùng cổ. Kết quả nút thành công giúp kiểm soát nguy cơ xuất huyết tái phát, tạo tiền đề cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Những ngày tiếp theo là từng trận chiến đầy nỗ lực của toàn bộ ekip Hồi sức tích cực: Giảm phù phổi, kiểm soát huyết động, chống nhiễm trùng đến cai ECMO, máy thở.
Ngày 25/2, bệnh nhi đã tỉnh, nhận biết được người thân; ngày 27/2 rút ECMO; và đến ngày 6/3/2025, toàn bộ thiết bị hỗ trợ được tháo bỏ. Bé Nguyên hồi phục ngoạn mục, nhận thức tốt, chức năng vận động cải thiện từng ngày. Có thể nói chuyện, giao tiếp, cầm nắm đồ vật, tự uống nước... Một sự trở về thần kỳ, khiến ai cũng bồi hồi, xúc động, cảm động!
 |
Cuộc sống, sức khỏe và nụ cười trẻ em đã trở lại với cháu bé. (Ảnh: Gđ&BVCC) |
Cho đến ngày hôm nay, sau hơn 4 tháng kể từ ngày con xảy ra biến cố, thì cháu Nguyễn Khánh Nguyên đã cho thấy, hoàn toàn hồi phục, về sức khoẻ, trí tuệ, ký ức.
"Lương y như từ mẫu" - Tình người trong hành trình y học
Trong bức thư cảm ơn đầy xúc động gửi tới Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Việt Hà - bố của cháu Nguyễn Khánh Nguyên, đồng thời cũng là một bác sĩ ngoại khoa, chia sẻ đã viết: “Không có lời nào diễn tả được hết lòng biết ơn của chúng tôi. Nếu bố mẹ sinh ra con lần đầu, thì chính các thầy cô, các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tái sinh con tôi lần thứ hai.”.
 |
Thư cảm ơn của gia đình cháu bé, gửi các bác sĩ Bệnh viện. (Ảnh: Gđ&BVCC) |
 |
Bố của cháu bé đã gửi Thư cảm ơn, gửi tới các y bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực, và Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai. Nội dung của Thư cảm ơn rất xúc động, bày tỏ lời cảm ơn chân thành, sự biết ơn tới các y bác sĩ của bệnh viện. (Ảnh: Gđ&BVCC) |
Đằng sau một ca bệnh hiểm nghèo, một hành trình gian nan giữa ranh giới sự sống và cái chết, không chỉ là chuyên môn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân, đơn vị mà còn là tinh thần nhân văn, tận tâm của người thầy thuốc, các y bác sĩ, nhân viên y tế.
“Không buông tay, tận dụng tối đa từng cơ hội dù nhỏ nhoi nhất để cứu sống người bệnh”. Đó chính là sự nỗ lực chữa bệnh cứu người, là “phép màu” kỳ diệu, của những trái tim y đức, tình người nơi Bệnh viện Bạch Mai và một niềm tin không bao giờ tắt.
(Câu chuyện trên như là một Thông điệp nhân ái: Vì sức khỏe và nụ cười trẻ em!
Tiêu đề và nội dung đã được điều chỉnh lại, nguồn thông tin BVCC)./.