Theo chia sẻ của mẹ bé trai, trước khi đột quỵ, con trai chị có biểu hiện như: nói ngọng ú ớ, vệ sinh không kiểm soát…
Gần đây, một người mẹ ở Lào Cai đã chia sẻ trên mạng xã hội về trường hợp con trai 3 tuổi bị đột tử. Theo lời kể của mẹ bé, trước khi xảy ra sự việc, bé có biểu hiện nói ngọng và không kiểm soát được việc vệ sinh.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Vũ Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé trai này, nhưng bé đã tử vong trước khi đến viện. Theo thông tin từ gia đình, bé có dấu hiệu giãy dụa, mặt mũi tím tái và được gia đình đưa đến trạm xá cấp cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai nhưng không kịp. Do không có giám định pháp y, nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của bé vẫn chưa được xác định.
Bác sĩ Dũng cho biết, trẻ em có thể đột tử vì nhiều nguyên nhân, như: sặc, loạn nhịp tim hoặc rung thất.
Với trường hợp bệnh nhi hoặc người lớn đột tử, theo bác sĩ Dũng có 3 tình huống có thể đã xảy ra:
- Tình huống 1: Hội chứng xâm nhập
Trước tiên, cần phải xem bệnh nhân có bị nôn trớ, trào ngược hay sặc không. Nếu có hội chứng xâm nhập, trẻ không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Trong tình huống trẻ bị sặc dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh kiểm tra, sau đó sơ cứu để khai thông đường thở cho trẻ.
- Tình huống 2: Loạn nhịp tim, suy tim
Bệnh nhân có vấn đề loạn nhịp tim, suy tim có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Dũng đã gặp trường hợp bệnh nhân bị loạn nhịp tim, gia đình không phát hiện, tới sáng bệnh nhân tử vong mới biết.
- Tình huống 3: Xuất huyết não
Xuất huyết não cũng có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Vũ Anh Dũng, bệnh nhi kể trên tử vong ngoại viện nên không thể xác định được nguyên nhân. Qua trường hợp này, bác sĩ khuyên các phụ huynh cần bình tĩnh xác định trẻ đang gặp tình trạng gì để sơ cấp cứu đúng. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Để giảm thiểu nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ, TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc cần tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ. Cụ thể, nên cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, thường xuyên quan sát trẻ, sử dụng núm vú giả cho trẻ dưới 1 tuổi, và đảm bảo nhiệt độ phòng phù hợp. Trẻ sơ sinh cần có cũi hoặc giường riêng, không sử dụng gối hay đồ chơi nhồi bông trong khu vực ngủ.
Ngoài ra, việc tiêm phòng đầy đủ và không hút thuốc, uống rượu hay sử dụng ma túy trong thời gian mang thai và nuôi con cũng rất quan trọng. Nếu phát hiện trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.