Thứ Năm, 24/07/2025 15:38 (GMT+7)

5 tổ chức chính trị - xã hội 'trực thuộc' Mặt trận Tổ quốc ở 3 nội dung

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 5 tổ chức chính trị - xã hội chỉ “trực thuộc” MTTQ ở 3 nội dung. Các tổ chức này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành.
Ảnh đại diện tin bài

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể Trung ương diễn ra ngày 23/7, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nhấn mạnh: "Các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động 'trực thuộc' MTTQ Việt Nam không có nghĩa thoát ly sự quản lý của Nhà nước mà vẫn phải tuân thủ luật pháp, vẫn phải chịu sự quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật".

 Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Theo ông Chiến, các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ ở 3 nội dung.

Thứ nhất là trực thuộc về định hướng hoạt động.

Ông Chiến dẫn ví dụ: Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa quyết định sẽ đầu tư 248 trường nội trú cho 248 xã biên giới để con em có điều kiện học tập, nâng cao trình độ. Nhà nước đầu tư bình quân 150 tỷ đồng/trường để các cháu có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, sân chơi, bãi tập, bếp ăn…

Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo khoản 2 Điều 5 Luật số 97/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trong Kết luận 81 ngày 18/7 về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới, Bộ Chính trị giao MTTQ Việt Nam tổ chức phát động, huy động nguồn lực của xã hội, lựa chọn những việc phù hợp để chăm lo cho các cháu. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng đều phải hướng về việc này.

“Tôi đã thảo luận với Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về việc vận động thêm nguồn lực bên ngoài để nuôi các cháu. Mỗi xã biên giới có khoảng 500-1.000 cháu, với mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/cháu/tháng thì chỉ cần huy động khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng là có thể nuôi các cháu trong 3 năm. Đợt bão Yagi, chúng ta vận động được 2.600 tỷ đồng. Người dân mình tốt lắm, chúng ta không lo không có ai ủng hộ. Hoặc cũng có thể phát động thanh niên tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng để nhận nuôi 1 cháu, chắc là cũng được” - ông Chiến chia sẻ.

Thứ hai là trực thuộc về tổ chức bộ máy và biên chế.

Theo đó, MTTQ sẽ là đầu mối phối hợp với các cơ quan Nhà nước để quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo sử dụng định biên đúng mục đích, có hiệu quả.

“Bây giờ có hiện trạng người làm ở các hội không phải công chức, cũng không phải viên chức. Có người chuyển từ công chức sang, có người 30 năm làm việc rồi bây giờ không biết nghỉ bằng chế độ nào. Mặt trận phải quản lý và hướng dẫn nội dung này, nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì phải đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết” - ông Chiến nói.

Thứ ba là trực thuộc về tài chính.

Ông Chiến cho biết MTTQ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp 1, còn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Thủ tướng và Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Từ kế hoạch năm 2026 trở đi thì lập dự toán 1 đầu mối về MTTQ.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam bày tỏ mong muốn các tổ chức chính trị - xã hội sau khi "về chung mái nhà MTTQ" sẽ thêm sức mạnh, làm tròn bổn phận nòng cốt chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên, chung sức chung lòng để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương đã chỉ đạo triển khai 5 Đề án quan trọng. Đó là:

- Đề án sắp xếp, tinh gọn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã).

- Đề án quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

- Đề án tổng rà soát chức năng, nhiệm vụ tổ chức, bộ máy của các cơ quan báo chí trực thuộc cơ quan Trung ương MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu quả hoạt động theo hướng tinh gọn tối đa, chỉ duy trì các đơn vị thực sự cần thiết.

- Đề án tổ chức lại các tổ chức đảng sau khi sắp xếp, hợp nhất tổ chức.

- Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc MTTQ Việt Nam.

PV
Công an Hà Nội tuyên truyền nồng độ cồn ngay từ quán nhậu
Công an Hà Nội tuyên truyền nồng độ cồn ngay từ quán nhậu

Thực tế cho thấy một bộ phận người dân vẫn chủ quan rằng uống chút bia rượu “vẫn lái xe được”. Do đó, bên cạnh việc tuần tra, Công an Hà Nội chủ động tiếp cận ngay tại quán nhậu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giảm thiểu vi phạm.

Sơ cứu đúng cách ngộ độc thực phẩm tại nhà
Sơ cứu đúng cách ngộ độc thực phẩm tại nhà

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu...gây hại cho sức khỏe. Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, hãy sơ cứu người bệnh theo cách dưới đây.

Lối sống ít vận động khiến bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hoá
Lối sống ít vận động khiến bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hoá

Thoát vị đĩa đệm từng được coi là bệnh của tuổi trung niên hay người lao động nặng, nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng báo động, các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh khi mới ngoài 20 tuổi, thậm chí ở lứa tuổi học đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Ra mắt Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em - Phát huy vai trò truyền thông, chăm sóc trẻ em trong cộng đồng
Ra mắt Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em - Phát huy vai trò truyền thông, chăm sóc trẻ em trong cộng đồng

(SKTE) - Ngày 18/7/2025, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em (trực thuộc Hội), với sự tham dự của gần 50 đại biểu là thành viên của CLB, cùng các khách mời là đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo, phóng viên đang công tác tại các đơn vị báo chí, truyền thông tại Hà Nội. Đây là sự công nhận vai trò của báo chí truyền thông trong sự nghiệp bảo vệ quyền trẻ em và sự gắn kết, đồng lòng của những nhà báo có tâm huyết với trẻ em.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự