Những đối tượng này thường nhắm đến trẻ em, đặc biệt là các bé gái, với sự ngây thơ và thiếu kỹ năng tự bảo vệ khi sử dụng mạng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn như dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa nhằm ép buộc trẻ quay phim, chụp ảnh nhạy cảm, sau đó uy hiếp để tống tiền hoặc yêu cầu trẻ làm theo ý muốn của chúng. Thậm chí, có kẻ lợi dụng tình cảm, giả vờ yêu đương để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc xâm hại trẻ.
Hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em vô cùng nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại không chỉ chịu tổn thương về tâm lý mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển lâu dài. Những vết thương này có thể đeo bám các em suốt cuộc đời, cản trở quá trình phát triển lành mạnh và tự tin.
Trẻ em bị xâm hại để lại những ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển lâu dài. Ảnh minh họa
Trước tình trạng này, lực lượng công an các địa phương đang tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp nhằm huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng tham gia vào công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng.
Các cơ quan chức năng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, và phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em. Mục tiêu là giúp người dân hiểu rõ về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và tự bảo vệ.
Chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng cho con em mình trong việc sử dụng Internet. Hãy hướng dẫn trẻ những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình trước những mối nguy cơ tiềm tảng trên không gian mạng như:
- Tuân thủ các nguyên tắc sử dụng Internet và thiết bị điện tử một cách an toàn.
- Cài đặt quyền riêng tư cho tài khoản mạng xã hội và không chia sẻ mật khẩu cho bất kỳ ai, ngoại trừ bố mẹ.
- Không đăng tải thông tin cá nhân hoặc hình ảnh riêng tư lên mạng.
- Tránh cung cấp thông tin hoặc hình ảnh cho người lạ qua mạng, đặc biệt qua webcam.
- Không gặp gỡ những người bạn quen biết qua mạng ngoài đời thực mà không có sự giám sát của người lớn.
- Bỏ qua, chặn và báo cáo các tài khoản có hành vi quấy rối, bắt nạt hoặc đưa ra những lời đề nghị không phù hợp.
- Luôn hỏi ý kiến bố mẹ trước khi tải hoặc cài đặt bất kỳ phần mềm nào lên điện thoại hoặc máy tính.
Nếu trẻ gặp bất kỳ khó khăn nào khi sử dụng mạng xã hội hay Internet, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ với bố mẹ, thầy cô giáo, hoặc liên hệ với Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, hãy cùng nhau hành động để đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều được lớn lên trong một môi trường an toàn, lành mạnh.