Thứ Ba, 15/07/2025 13:40 (GMT+7)

Cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: Giải pháp hỗ trợ người dân là gì?

(SKTE) - Chuyển đổi sang xe điện được nhiều người dân ủng hộ vì lợi ích môi trường. Thế nhưng, không ít người vẫn băn khoăn và lo lắng nguy cơ ảnh hưởng đến công việc, sinh kế nếu xe máy xăng bị cấm
Ảnh đại diện tin bài

Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 01/7/2026, không còn xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng) lưu thông trong khu vực vành đai 1.

Lộ trình tiếp theo được đặt ra như sau: Từ 01/01/2028 sẽ hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 1 và vành đai 2; Đến năm 2030, áp dụng quy định trên với toàn bộ phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Trước đề xuất cấm xe xăng đi vào khu vực Vành đai 1, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ ý kiến.

Dự kiến Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong khu vực tuyến Vành đai 1 kể từ 1-7-2026. Ảnh: Ngô Nhung 

Bạn đọc Nam Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ thị này. Chúng tôi mong Hà Nội sớm có mạng lưới giao thông công cộng thông minh để thay thế xe máy xăng, chứ hiện nay di chuyển hàng ngày thực sự quá vất vả".

Thống kê chất lượng không khí, Hà Nội nhiều lần lọt top ô nhiễm nhất thế giới. Thanh Phúc thẳng thắn: “Hơn 8,5 triệu cư dân Thủ đô phải gánh hậu quả ô nhiễm: tuổi thọ giảm, bệnh tật tăng. Tôi ủng hộ cấm xe xăng để Hà Nội xanh sạch hơn, nâng cao hình ảnh trong mắt du khách quốc tế”.

Đồng quan điểm, tài khoản có tên Lý Sơn cho rằng quan trọng nhất là kiên trì làm từng bước, không được bỏ cuộc giữa chừng vì khó khăn. “Nếu có phương tiện công cộng đầy đủ, tôi tin nhiều người sẽ sẵn sàng từ bỏ xe xăng”, anh nói.

Hướng đến mục tiêu Net Zero, bạn Trâm Nguyễn chia sẻ: “Chính sách này cần thiết và về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Tôi đi xe điện 3 năm nay rồi, thấy nhàn hơn xe xăng, không sợ bỏng bô, nhẹ nhàng và yên tĩnh”.

Nhiều người khẳng định xe điện đã đủ điều kiện thay thế. Anh Nguyễn Nam phân tích: “Hiện nay xe điện đã có nhiều mẫu tốt, pin sạc đi được cả trăm cây số, lại tiết kiệm chi phí. Tiền sạc mỗi tháng chỉ bằng một phần tiền đổ xăng, lại ít hỏng vặt, không cần thay dầu nhớt. Thêm nữa, xe điện hiện đại, chống trộm tốt hơn, vận hành êm ái, những con ngõ nhỏ sẽ không còn tiếng nẹt pô lúc nửa đêm”.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần lộ trình cụ thể để tránh gây sốc cho người dân. Vĩnh Lê cho rằng: “Nếu cứ hoãn, ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Tôi ủng hộ làm sớm nhưng phải rõ ràng lộ trình, chính sách hỗ trợ hợp lý. Trước khi cấm phải chuẩn bị ít nhất 5 năm để người dân và hạ tầng thích ứng”.

Anh Thanh Huy nhìn nhận: “Chúng ta phải thay đổi thôi. Trong cái khó sẽ ló cái khôn. Không chỉ vì không khí mà còn cả tiếng ồn, bệnh tật liên quan đến môi trường. Nhà nước đã tính toán lộ trình từ lâu, giờ là lúc chúng ta chung tay làm thật”.

Vành đai 1 của Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành 

Tuy nhiên cũng không ít độc giả lo ngại về sự khả thi. Một bạn đọc cho biết: "Hạ tầng của chúng ta hiện tại chưa sẵn sàng. Giao thông công cộng thì thiếu, tàu điện còn ít, xe buýt không phủ khắp. Chúng ta hãy đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, kiểm soát bụi mịn, hỗ trợ người dân chuyển đổi từng bước, nên tập trung phát triển hệ thống xe buýt điện, mở rộng thêm các tuyến tàu điện mới có thể tiến đến thành phố không còn xe xăng".

"Việc cấm xe máy xăng ở trung tâm không thể chậm trễ hơn. Nếu cứ tiếp tục trì hoãn, ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng. Mình hoàn toàn ủng hộ triển khai sớm, miễn là có lộ trình rõ ràng và chính sách hỗ trợ hợp lý ví dụ hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang xe điện, và đầu tư hạ tầng trạm sạc chung cho tất cả các dòng xe điện...", một bạn đọc khác nêu ý kiến.

Giải pháp các chuyên gia đưa ra

Trước đó TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng đánh giá đây là một quyết tâm cần thiết của Chính phủ nhằm giảm ô nhiễm.

Ông Tùng cho rằng thời gian từ nay đến 01/7/2026 không còn nhiều. Do đó, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân. Bên cạnh các chương trình đổi xe của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn. Song song đó, việc phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt điện là giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng để cấm xe xăng hiệu quả mà không ảnh hưởng cuộc sống, Hà Nội phải có chính sách hỗ trợ đổi xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc, phát triển giao thông công cộng xanh, tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận tiện.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nhận định việc chuyển từ xe xăng sang xe điện là giải pháp quan trọng để giảm ô nhiễm và nâng cao an toàn giao thông. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thiếu hạ tầng trạm sạc, trong khi phần lớn người dân sạc tại nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, quá tải điện, nhất là ở chung cư.

Ông nhấn mạnh, Hà Nội và cả nước cần giải quyết đồng bộ: vừa hoàn thiện chính sách, phát triển hạ tầng, vừa nâng cao ý thức người dân để việc chuyển đổi diễn ra an toàn, hiệu quả.

Hà Lam
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành
Đang rà soát để sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành. Các đơn vị xuất bản đang rà soát, tiến hành sửa chữa sách giáo khoa, trình Bộ thẩm định thông qua theo quy trình.

Hiệp thương cử 6 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X - Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Hiệp thương cử 6 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X - Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Sáng 10/7/2025, tại Hà Nội, Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ tư, khóa X, nhiệm kỳ 2024–2029 đã khai mạc. Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương và Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong bối cảnh mới
Tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong bối cảnh mới

(SKTE)- Sáng 9/7/2025, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, cho ý kiến về Dự thảo báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm công tác mặt trận 6 tháng cuối năm 2025; Dự thảo định hướng trọng tâm công tác Mặt trận năm 2026; Dự thảo kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần ... Tạp chí trân trọng giới thiệu bài phát biểu tham luận của Tiến sĩ Ngô Sách Thực, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tại Hội nghị quan trọng này

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thanh Cao
P. Trưởng ban Thư ký tòa soạn: Lê Minh Nam.
Truyền thông - Quảng cáo: Hà Diệu Hiền , Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tổ chức sự kiện: Nguyễn Văn Mạnh , P. Giám đốc Trung tâm Media
Trị sự: Đoàn Thanh Hà, P. Trưởng ban Trị sự